Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, trận chiến trên biển Hòn Hèo của tàu C235 là một trong những trang sử bi tráng. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng đồng đội đã mãi mãi nằm lại vùng biển Ninh Vân, nhưng bản hùng ca về tinh thần yêu nước...
Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, trận chiến trên biển Hòn Hèo của tàu C235 là một trong những trang sử bi tráng. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng đồng đội đã mãi mãi nằm lại vùng biển Ninh Vân, nhưng bản hùng ca về tinh thần yêu nước, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của các chiến sĩ tàu không số vẫn còn vang vọng đến hôm nay…
Ký ức người ở lại
Những ngày cuối tháng 2, chúng tôi tìm về xã Ninh Vân, nơi cách đây 50 năm đã xảy ra sự kiện tàu C235. Trên bến Hòn Hèo, nơi thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cùng đồng đội hy sinh nay đã được tôn tạo thành khu lưu niệm khang trang. Trong không gian im ắng, tiếng sóng vỗ bờ rì rào như lời kể lại chuyện xưa.
Gọi điện cho ông Lê Duy Mai - thợ máy của tàu C235 đang sống ở Thanh Hóa, giọng ông nghẹn lại, bởi ngày kỷ niệm 50 năm sự kiện tàu C235 ở Ninh Vân đã cận kề. Còn nhớ, năm 2016, trong dịp kỷ niệm 55 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, ngay trên bến Ninh Vân, ông đã kể cho chúng tôi nghe về hành trình huyền thoại của tàu C235. Ngày ấy, bến Hòn Hèo là một lựa chọn cực kỳ mạo hiểm, mang tính bất ngờ cho kẻ địch nên mọi việc phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Để chuẩn bị cho chuyến đi vào Hòn Hèo, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã vạch ra 3 phương án tác chiến, tổ chức tập ở khu vực bến Bính (Hải Phòng) 15 ngày đêm, dự kiến mọi tình huống. Chính vì vậy, khi tàu C235 vào bến Ninh Vân bị lộ, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã bình tĩnh chỉ đạo anh em thả hàng, tổ chức chiến đấu ngoan cường. Khi biết không thể thoát khỏi vòng vây của địch, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã hội ý với chính trị viên và quyết định cho nổ tàu để không lọt vào tay địch. Nhắc lại chuyện xưa, ông Mai nói: “Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và các đồng đội đã chiến đấu cảm tử, dành cho chúng tôi con đường sống. Sự hy sinh của các anh rất đau thương nhưng cũng đầy oanh liệt, mãi mãi là niềm tự hào của những người lính tàu không số”.
Xã Ninh Vân - vùng đất từng được chọn làm bến thả hàng năm xưa hiện nay khá trù phú. Nhắc đến tàu C235, bà Trà Thị Bông Sen - Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết, má bà (cụ Võ Thị Khù) kể lại, đêm ấy đánh nhau rất ác liệt, lửa đạn rạch trời sáng rực. Sau khi địch rút, người làng đã tìm đến nơi các anh chiến đấu thấy những hố đạn sâu hoắm, vỏ đạn khắp nơi, những thân cây ngã gục. Riêng những thủy thủ hy sinh trong trận đó, thi thể hầu như không còn nguyên vẹn do địch gom lại đổ xăng đốt. Người dân đã đưa họ về làng chôn cất.
Bao năm đã qua, nhưng ông Mai cùng đồng đội vẫn nhớ những ngày trốn tránh sự truy lùng gắt gao của địch trên núi Hòn Hèo. Ngày thứ 10, khi sức cùng lực kiệt, gần như tắt hết hy vọng thì ông và đồng đội gặp được du kích địa phương. Về lại nơi tập kết của quân giải phóng và được y tá địa phương chăm sóc, điều trị tận tình nên cả 5 người đều nhanh chóng hồi phục sức khỏe, rồi được chuyển về đơn vị bến K67. Bà Phạm Thị Hường (73 tuổi, phường Ninh Thủy, Ninh Hòa), một trong những người trực tiếp chăm sóc cán bộ, chiến sĩ kể, toàn bộ lương thực, thực phẩm đều bị địch đốt sạch. Tất cả phải sống nhờ vào khoai mài. Ngày chuẩn bị cho các chiến sĩ tàu C235 ra Bắc, bà Hường đã bỏ công suốt mấy ngày đêm may 5 cái võng cho 5 anh em mang đi đường.
Nghĩa tình từ C235
Cuộc chiến đấu cảm tử của cán bộ, chiến sĩ tàu C235 tại bến Hòn Hèo, Ninh Vân đã trở thành trang sử bi tráng. Năm 1970, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên anh cũng đã được đặt cho một hòn đảo ở quần đảo Trường Sa và đường phố ở Nha Trang, Đà Nẵng. Tại bến Hòn Hèo, Lữ đoàn 125 đã xây dựng tấm bia kỷ niệm sự kiện tàu C235 chiến đấu anh dũng ở đây. Năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận địa điểm lưu niệm tàu C235 là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2016, UBND tỉnh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng tôn tạo khu di tích này. Ở nhà bia vừa được xây dựng có ghi sự kiện tàu C235 chiến đấu với quân địch và tên 14 liệt sĩ của tàu đã hy sinh ở Hòn Hèo.
Sau khi hòa bình lập lại, cứ đến ngày 1-3 hàng năm, bà Hường lại làm đám giỗ cho 14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235. Qua sự kết nối của bà Hường với các chiến sĩ tàu C235, nhiều người thân của các liệt sĩ đã tìm về thăm lại chốn xưa. Năm 1994, chị Ngô Thị Hải Yến (con gái duy nhất của liệt sĩ Ngô Văn Thứ) trở về thăm Ninh Vân. Năm 2000, các chiến sĩ tàu C235 đã trở lại thăm Ninh Vân. Năm 2016, nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, em gái và 2 người con của liệt sĩ Doãn Quang Ruyện từ quê nhà Thái Bình vào nơi người thân mình hy sinh. Tự tay mình thắp hương viếng người cha thân yêu và các đồng đội của ông, anh Doãn Quang Hùng và em gái Doãn Thị Thu nước mắt rưng rưng. “Ngày ấy, giấy báo tử chỉ ghi chung chung là hy sinh ở mặt trận phía nam nên gia đình tôi không biết nơi mất cụ thể ở đâu. Mãi sau này, chúng tôi mới biết ông hy sinh tại bến Hòn Hèo, xã Ninh Vân. Bao lâu nay, chúng tôi luôn mong mỏi được đến nơi cha tôi nằm xuống, nay mới thành hiện thực”, chị Thu tâm sự.
Gần nhất, năm 2017, một cuộc trùng phùng của 4 chiến sĩ và người thân tàu C235 đã diễn ra trên bến Hòn Hèo năm xưa. Cựu chiến binh Lâm Quang Tuyến (ở Vũng Tàu) xúc động đến rơi nước mắt: “Nhờ có người dân nơi đây mà chúng tôi còn sống đến ngày hôm nay. Bà con đã che chở cho chúng tôi trước mắt địch. Anh em chúng tôi mỗi người một quê nhưng từ lâu đã coi vùng đất này là quê hương thứ 2 của mình. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng anh em chúng tôi sẽ cố gắng thường xuyên trở về mảnh đất này thêm nhiều lần nữa để có điều kiện gặp lại những người đã cưu mang mình”.
Đứng trên bến Hòn Hèo, nhìn về Ninh Vân, mái trường THCS Nguyễn Phan Vinh đỏ tươi trong nắng. Bất giác trong lòng trào dâng một niềm xúc động: Không một ai và không điều gì bị lãng quên!
XUÂN THÀNH - ĐÌNH LÂM
Tàu C235 có 20 cán bộ, chiến sĩ, do Trung úy Nguyễn Phan Vinh làm thuyền trưởng. Ngày 27-2-1968, tàu C235 xuất phát, đến tối 29-2-1968, khi tàu chuyển hướng vào vùng biển Nha Trang thì bị lộ. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tăng tốc chạy vào bờ thả hàng, sẵn sàng chiến đấu. Địch đã huy động một số lượng tàu chiến lớn bao vây, đánh phá khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ của tàu C235 hy sinh và bị thương. Rạng sáng 1-3-1968, khi cách bờ khoảng 100m, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã lệnh cho cán bộ, chiến sĩ bị thương rời tàu bơi vào bờ, còn mình cùng thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại điểm hỏa cho nổ tàu. Sau khi vào bờ, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thợ máy Ngô Văn Thứ kiên cường chống trả quân địch để cho đồng đội rút lui lên núi. Thuyền phó Đoàn Văn Nhi hy sinh trên đường lui quân, chiến sĩ Mai Văn Khung đi tìm nước không may bị địch bắt (được trao trả năm 1973), còn lại 5 người: Lê Duy Mai, Hà Minh Thật, Nguyễn Văn Phong, Lâm Quang Tuyến, Vũ Long An được du kích địa phương tìm thấy và đưa về căn cứ.