Ngày 14-11, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa và đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc với ngành Ngân hàng Khánh Hòa bàn giải pháp khắc phục hậu quả sau bão.
Ngày 14-11, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa và đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam làm việc với ngành Ngân hàng Khánh Hòa bàn giải pháp khắc phục hậu quả sau bão.
Vốn vay bị thiệt hại lớn
Đoàn công tác của NHNN Việt Nam đã khảo sát tại một số doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại do bão. Tại Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc công ty cho biết, toàn bộ nhà xưởng bị tốc mái, một số tường đổ sập, hàng hóa bị ướt nhưng thiệt lớn nhất là máy móc. Trong 1 tuần qua, công ty đã huy động công nhân tích cực sửa chữa, lau chùi máy móc; khôi phục sản xuất. Hiện nay, công ty đang dư nợ hơn 410 tỷ đồng và hơn 6 triệu USD tại các ngân hàng. Công ty đang cần vốn để tái đầu tư và vốn lưu động. Ông Hùng đề nghị ngân hàng quan tâm xem xét hỗ trợ DN nhanh chóng phục hồi sản xuất.
Ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Việt Nam đề nghị các chi nhánh ngân hàng sát cánh cùng DN, tư vấn nghiệp vụ liên quan đến tài chính - ngân hàng, bảo hiểm; xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới để DN sớm phục hồi sản xuất.
Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, tình hình vốn vay bị thiệt hại tại các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn rất lớn. Tính đến thời điểm này, có 6.178 khách hàng bị thiệt hại do bão với dư nợ vay hơn 7.556 tỷ đồng tại các chi nhánh TCTD, chưa bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh. Trong đó, đối tượng thuộc Nghị định số 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có 5.070 khách hàng bị thiệt hại (5.047 khách hàng cá nhân và 23 DN), dư nợ vay hơn 1.192 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng bị thiệt hại ước tính khoảng 589 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 3.744 khách hàng bị thiệt hại, dư nợ cho vay 901 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng bị thiệt hại khoảng 486 tỷ đồng. Đối tượng không thuộc Nghị định số 55 có 1.108 khách hàng bị thiệt hại, dư nợ vay 6.364 tỷ đồng.
Về tình hình vốn vay bị thiệt hại tại NHCSXH tỉnh, theo kết quả tổng hợp sơ bộ (chưa bao gồm thiệt hại vốn vay NHCSXH của huyện Khánh Vĩnh), có 7.018 khách hàng bị thiệt hại, nợ vay ước tính khoảng 108 tỷ đồng. UBND các xã, thị trấn của huyện Khánh Vĩnh hiện đang rà soát, ước tính số thiệt hại khoảng 66 tỷ đồng.
Giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, người dân
Từ ngày 6 đến 13-11, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã chi 949 tỷ đồng, phục vụ kịp thời nhu cầu tiền mặt cho người dân, DN khắc phục hậu quả cơn bão số 12; các TCTD đã cho 95 khách hàng vay mới để khôi phục sản xuất với số tiền gần 44 tỷ đồng, gia hạn nợ cho 18 khách hàng với số dư nợ được gia hạn hơn 14 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 4 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh hơn 208 tỷ đồng, miễn giảm lãi cho 21 khách hàng với số tiền 851 triệu đồng. |
Tại buổi làm việc, ông Trần Sơn Hải đề nghị các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ phải khẩn trương, kịp thời. Ông cũng đề nghị NHNN Việt Nam và Chi nhánh Khánh Hòa rà soát, tổng hợp bất cập trong quy trình, thủ tục xác định mức độ thiệt hại, nên có quy trình, thủ tục, hồ sơ gọn, kịp thời. Thay mặt đoàn công tác của NHNN, ông Trần Văn Tần ghi nhận những kiến nghị của tỉnh; đồng thời, yêu cầu các TCTD rà soát ngay các khoản nợ, xem xét mức độ thiệt hại để cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ và tiếp tục cho vay mới trên cơ sở phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng. Những trường hợp khách hàng bị thiệt hại không thuộc đối tượng của Nghị định 55, các TCTD chủ động xem xét hỗ trợ. Trường hợp bị thiệt hại lớn, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa tổng hợp để báo cáo Trung ương xem xét.
Về hỗ trợ, khắc phục hậu quả sau cơn bão số 12 đối với vốn tín dụng chính sách qua kênh NHCSXH, ông Trần Sơn Hải chỉ đạo, đối với các đối tượng được thực hiện xử lý rủi ro theo Quyết định số 50 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH, giao cho UBND cấp huyện, xã và 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay xác định mức độ thiệt hại của các đối tượng để được xét xử lý rủi ro. Về hồ sơ, cấp xã chịu trách nhiệm xác định mức độ thiệt hại; đảm bảo thủ tục hồ sơ phải chặt chẽ, đầy đủ. Ông giao NHCSXH tỉnh đến cuối tháng 11 tổng hợp số liệu cụ thể báo cáo Trung ương; các trường hợp không thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định số 50, các địa phương và NHCSXH tỉnh vẫn tổng hợp để kiến nghị chính sách riêng. Cũng trong tháng 11, NHCSXH tỉnh lập kế hoạch bổ sung vốn để tiếp tục cho vay.
NAM DU