06:11, 10/11/2017

Góp ý dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Chiều 9-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đồng chí Lữ Thanh Hải, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà cho biết: 
 

Chiều 9-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận, đồng chí Lữ Thanh Hải, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà cho biết: 
 
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà nhất trí với phạm vi áp dụng luật cho 3 Đặc khu Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn. Về mô hình tổ chức chính quyền, thống nhất cao với phương án Trưởng Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và phân cấp cho Trưởng Đơn vị một số thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, UBND cấp tỉnh. Điều này giúp cho quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt nhanh chóng, linh hoạt, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư cũng như công dân sinh sống tại đặc khu.
 
Đối với Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, do hiện trạng của khu vực bắc Vân Phong còn hoang sơ, cơ sở hạ tầng hầu như chưa được đầu tư và có rất ít dự án đang hoạt động, vì vậy việc để lại nguồn tăng thu nội địa của Bắc Vân Phong trong 10 năm để đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định tại dự thảo luật là không đủ để thực hiện. Vì vậy, đề xuất xem xét các hình thức ưu tiên bố trí nguồn vốn khác để có thể nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư, cụ thể:
 
- Cơ chế để lại 100% số thu thuế xuất nhập khẩu trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030, sẽ thực hiện các chính sách đặc thù tại Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. Sau năm 2030, sẽ xem xét các khoản phân chia giữa ngân sách Khu kinh tế Vân Phong với ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh.
 
- Ngân sách trung ương để lại 50% các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh để bổ sung cho Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong trong thời gian 5 năm, kể từ ngày thành lập để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao...
 
Về các ngành nghề ưu tiên phát triển tại Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong, theo nội dung dự thảo luật thì các ngành nghề ưu tiên phát triển của Đơn vị hành chính – kinh tế Bắc Vân Phong được điều chỉnh. Theo nguyên tắc các đặc khu không cạnh tranh lẫn nhau trong định hướng phát triển, tuy nhiên đối với các điều kiện tự nhiên có lợi thế như nhau giữa các địa phương cũng nên phát triển các ngành nghề dựa vào các lợi thế này. Vì vậy, đề xuất đưa nhóm ngành y tế, giáo dục chất lượng cao vào nhóm ngành ưu tiên phát triển do điều kiện tự nhiên của Đơn vị Bắc Vân Phong rất phù hợp với nhóm ngành này. Đồng thời, đề xuất mở rộng một số ngành nghề trong nhóm ngành công nghệ cao, đặc biệt là nhóm ngành công nghệ hải dương để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước cũng như của tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể: 
 
- Đề xuất bổ sung trong nhóm ngành nghề ưu tiên phát triển trong Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong về công nghệ cao như: sản xuất năng lượng mới; sản xuất phụ kiện, linh kiện điện tử, cụm chi tiết điện tử; các sản phẩm trong lĩnh vực y dược; công nghệ cao phục vụ công nghiệp quốc phòng; công nghệ vật liệu xây dựng mới; công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ cao; công nghệ giám sát đại dương, công trình biển, lặn biển, khai thác biển sâu, hàng hải, sinh học biển; đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng các khu công nghệ cao, trung tâm công nghệ cao, công viên khoa học - đô thị khoa học công nghệ cao…
 
- Đề xuất bổ sung nhóm ngành nghề ưu tiên phát triển trong lĩnh vực du lịch, y tế, giáo dục như: dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí tổng hợp có casino, khu đô thị, khách sạn, khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp có tích hợp cho cư trú từ 5 sao trở lên; bến du thuyền quốc tế; dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao; 
 
- Đề xuất bổ sung nhóm ngành nghề ưu tiên phát triển trong dịch vụ vận tải biển như: đầu tư phát triển cảng biển hàng hoá, hành khách quốc tế; dịch vụ cảng biển; trung tâm thương mại - tài chính; dịch vụ ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính. 
 
- Về nhà đầu tư chiến lược, do tình hình thực tế của Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong còn nhiều khó khăn, đề nghị không nên hạn chế vốn đầu tư tối thiểu như quy định tại dự án luật.
 
Trên thế giới và khu vực, mô hình Đặc khu kinh tế đã thực hiện từ lâu và đã chuyển sang các giai đoạn phát triển cao, trong khi Việt Nam mới bắt đầu nghiên cứu thực hiện sẽ bỏ qua nhiều cơ hội và thách thức. Hiện nay, Khánh Hòa đang tích cực chuẩn bị các công việc về hoàn thiện Đề án thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong; thuê tư vấn lập quy hoạch. Vì vậy, đề nghị Quốc hội khẩn trương nghiên cứu, xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 5 năm 2018 để địa phương có cơ sở nhanh chóng triển khai việc xây dựng và phát triển Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt kịp với xu thế phát triển của thế giới.
 
Bùi Yến (ghi)