Ngày 11-4, đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu làm việc tại Khánh Hòa về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017.
Ngày 11-4, đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn đầu làm việc tại Khánh Hòa về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến phát triển du lịch và việc xây dựng Đề án đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong.
Dự buổi làm việc có ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành.
Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Vinh báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tiến độ xây dựng Đề án đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong và kiến nghị một số vấn đề.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc |
. Phải luôn khai thác những lợi thế, đặc biệt về du lịch
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao kết quả đạt được về kinh tế - xã hội năm 2016 cũng như quý I/2017 của Khánh Hòa. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng Khánh Hòa vẫn tăng trưởng khá cao so với mức trung bình của cả nước. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. Đặc biệt, doanh thu du lịch tăng cao, số lượt khách lưu trú tăng mạnh. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khá, thu hút đầu tư mạnh; giáo dục, y tế, văn hóa có nhiều khởi sắc; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Đồng tình với mục tiêu, giải pháp tỉnh đề ra cho năm 2017 cũng như các năm tiếp theo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, tỉnh Khánh Hòa cần lường trước những khó khăn để đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Tỉnh phải luôn khai thác những lợi thế của mình, đó là về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thủy sản, đặc biệt là về du lịch. Nha Trang - Khánh Hòa vốn đã là thương hiệu du lịch nổi tiếng; vấn đề đặt ra hiện nay đối với Khánh Hòa là giữ được thương hiệu của mình, nhất là trong giai đoạn cạnh tranh quyết liệt về du lịch hiện nay, bởi nếu không giữ tốt sẽ trở thành trung tâm du lịch giá rẻ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đặt vấn đề tỉnh quan tâm phát triển theo hướng có những sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch; văn hóa phục vụ du lịch. Đồng thời, lưu ý tránh phát triển quá nóng ảnh hưởng đến môi trường.
Liên quan đến phát triển du lịch, ông Trần Việt Trung - Giám đốc Sở Du lịch cho biết, những năm gần đây, lượng khách du lịch quốc tế đến từ các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu có xu hướng giảm. Để tăng trưởng thị trường, một trong những giải pháp là xúc tiến quảng bá điểm đến. Sở Du lịch đổi mới cách xúc tiến thị trường theo hướng giảm các hoạt động xúc tiến du lịch qua các hội chợ du lịch quốc tế lớn, tăng cường xúc tiến các đoàn nước ngoài đến Nha Trang để giới thiệu trực tiếp tiềm năng du lịch của địa phương và xúc tiến khai thác các thị trường mới. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm phát triển hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là hạ tầng giao thông. Đồng thời, tăng cường kiểm soát về giá.
. Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong phải có những sản phẩm đặc thù
Liên quan đến tiến độ xây dựng đề án tổng thể đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong, ông Lê Đức Vinh báo cáo, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban và chỉ đạo UBND tỉnh lập kế hoạch xây dựng Đề án Đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong. Hiện nay, UBND tỉnh đang tập trung tiếp tục hoàn thiện đề án, nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù riêng áp dụng cho đặc khu và triển khai xây dựng luật cho đặc khu để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ xem xét trình Quốc hội. Việc xây dựng Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt áp dụng cho các đặc khu theo hướng xây dựng luật chung cho cả 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) và có 3 chương riêng thể hiện tính đặc thù cho từng đơn vị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Khánh Hòa cần nghiên cứu sản phẩm đặc thù để đặc khu hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong phải có sự khác biệt với Vân Đồn hay Phú Quốc; phải xây dựng được những chính sách cởi mở…
. Khánh Hòa nên đề nghị cơ chế tài chính đặc thù
Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Vinh kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến nguồn vốn đầu tư công, tài chính - ngân sách. Cụ thể, UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội xem xét, chấp thuận bổ sung nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 bố trí cho các dự án quan trọng của tỉnh tạo động lực lan tỏa và liên kết phát triển vùng, gồm: đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng 600 tỷ đồng (tổng mức đầu tư 1.418 tỷ đồng); trục đường Bắc Nam 2.000 tỷ đồng; đường ven biển từ xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) đến thị xã Ninh Hòa 1.495 tỷ đồng. Bố trí vốn đầu tư cho các hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh do các bộ, ngành Trung ương đầu tư như: hồ Đồng Điền, hồ Sông Chò 1, hồ Đá Mài. Bố trí vốn đầu tư các dự án giao thông do Trung ương quản lý như: Dự án kết nối Quốc lộ 26 với Quốc lộ 26B; tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam và đường sắt cao tốc đoạn Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh.
Đồng thời, tỉnh kiến nghị Trung ương chấp thuận chủ trương cho Khánh Hòa thực hiện lộ trình huy động các nguồn lực đầu tư với mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không vượt quá 50% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp (theo Luật Ngân sách nhà nước, Khánh Hòa thuộc đối tượng có mức dư nợ vay của ngân sách địa phương không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp). Việc sử dụng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đề nghị đoàn công tác của Quốc hội xem xét, nâng hạn mức vay vốn năm 2017 của tỉnh Khánh Hòa từ hơn 488 tỷ đồng lên 1.065 tỷ đồng...
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, trước mắt, UBND tỉnh có văn bản báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có cơ chế đặc thù về tài chính cho Khánh Hòa.
N.D