04:03, 23/03/2017

Công tác dân số ở Cam Lâm: Nâng cao năng lực truyền thông

Những năm gần đây, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) luôn chú trọng nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ và đội ngũ tuyên truyền viên làm công tác dân số.

Những năm gần đây, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) luôn chú trọng nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ và đội ngũ tuyên truyền viên làm công tác dân số (DS). Nhờ vậy, người dân được cung cấp thông tin về chính sách DS tốt hơn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức.


Tập huấn cho cán bộ, cộng tác viên


Hàng năm, Ban chỉ đạo công tác DS - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) huyện luôn chú trọng xây dựng kế hoạch chương trình truyền thông - giáo dục DS ngay từ đầu năm. Cụ thể, tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức tuyên truyền cho cán bộ và đội ngũ tuyên truyền viên về định hướng chính sách DS và phát triển giai đoạn 2016 - 2020; kỹ năng truyền thông chuyển đổi hành vi trong thời đại mới; mất cân bằng giới tính khi sinh; tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe sinh sản...

 

Tập huấn kiến thức tuyên truyền cho cộng tác viên dân số ở xã Cam Tân
Tập huấn kiến thức tuyên truyền cho cộng tác viên dân số ở xã Cam Tân


Bà Lưu Thị Minh Thao - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết, năm 2016, huyện đã mời bác sĩ Mai Xuân Phương - Vụ phó Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ) tham gia giảng dạy 2 lớp tập huấn cho 588 người thuộc các ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ huyện, xã; lãnh đạo chính quyền địa phương; các ban, ngành, đoàn thể 14 xã, thị trấn; giáo xứ và những người có uy tín ở địa phương, đội ngũ cộng tác viên. Ngoài ra, huyện còn tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, cộng tác viên DS về hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành DS; kỹ năng truyền thông và cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ... Bên cạnh đó, lãnh đạo và cán bộ DS huyện cũng tích cực, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, lớp báo cáo viên do tỉnh và Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức để nâng cao năng lực tuyên truyền…


Sau khi được tập huấn, đội ngũ cán bộ DS đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức nhiều chương trình truyền thông - giáo dục cho người dân. Cụ thể, năm 2016 tổ chức 20 buổi nói chuyện chuyên đề; 144 buổi tư vấn nhóm và tư vấn trực tiếp cho 3.070 hộ gia đình. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng các xã: Cam Tân, Suối Cát, Suối Tân, Cam An Bắc, Cam Hiệp Nam… tổ chức nhiều buổi truyền thông về những vấn đề nổi cộm của địa phương như: nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới, tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai. Qua đó thu hút 275 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên tham gia. Ngoài ra, các cán bộ, cộng tác viên DS còn phát 18.850 tờ rơi, 42 áp phích cung cấp thông tin cho người dân vào những dịp tổ chức chiến dịch, truyền thông trọng điểm...


Chuyển biến nhận thức


Chị Lê Thị Mậu, cán bộ chuyên trách DS xã Cam Tân cho biết, xã có 4 thôn với 10 cộng tác viên phụ trách. Nhờ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, chị và các cộng tác viên đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên tổ chức truyền thông cho người dân hấp dẫn hơn trước. Từ đó, người dân tham gia các hoạt động tuyên truyền về DS nhiều hơn, kết quả công tác DS cũng tốt hơn. Năm 2016, toàn xã có 1.186 cặp vợ chồng KHHGĐ và chỉ có 9 trẻ sinh ra là con thứ 3. Thôn Phú Bình 2 tập trung đông hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhưng số hộ sinh con thứ 3 trở lên cũng rất ít; số bà mẹ mang thai được thăm khám đạt 109%; 100% trẻ em dưới 36 tháng tuổi được uống vitamin A đúng định kỳ.


Chị Nguyễn Thị Hiền - cộng tác viên thôn Xuân Lộc cho hay: “Gần đây, chúng tôi được tạo điều kiện tham gia nhiều đợt tập huấn kiến thức mới nên dễ dàng giải thích đầy đủ thông tin mỗi khi người dân thắc mắc; cách tiếp cận cũng linh hoạt, sáng tạo hơn nên được người dân tin tưởng, nhiệt tình hưởng ứng chính sách DS hơn trước”.


Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông từ huyện đến xã nên công tác DS-KHHGĐ của Cam Lâm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2016, các chỉ tiêu giao đều thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch. Các chương trình tầm soát dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ; kiểm soát DS các vùng biển, đảo và ven biển đều thực hiện tốt.


Để duy trì kết quả đạt được, năm 2017, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Cam Lâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền; đồng thời triển khai hiệu quả các chương trình DS, chăm sóc sức khỏe sinh sản phù hợp với tình hình mỗi địa phương nhằm duy trì mức sinh thấp hợp lý. Ngoài ra, sẽ tập trung truyền thông các chương trình nâng cao chất lượng DS nhằm giảm tỷ lệ bệnh tật bẩm sinh, chăm sóc tốt sức khỏe tiền hôn nhân, giảm tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên…


M.T