Thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, ngày 15-3, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức phiên họp để tiến hành hoạt động giải trình, chất vấn và xem xét trả lời chất vấn.
Thực hiện quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, ngày 15-3, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức phiên họp để tiến hành hoạt động giải trình, chất vấn và xem xét trả lời chất vấn. Ông Lê Xuân Thân - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết:
- Theo quy định của pháp luật, phiên họp Thường trực HĐND là hình thức hoạt động chủ yếu của Thường trực HĐND. Tại phiên họp này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ thảo luận và cho ý kiến về hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh trong quý I-2017; đề ra phương hướng, nhiệm vụ quý II-2017; tổ chức hoạt động giải trình liên quan đến một số vấn đề về phân cấp cho chính quyền địa phương, việc tổ chức thực hiện các nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh… Một hoạt động quan trọng khác sẽ được Thường trực HĐND tỉnh tiến hành là hoạt động chất vấn và xem xét trả lời chất vấn giữa hai kỳ họp. Đây được xem là hình thức giám sát trực tiếp, hiệu quả của Thường trực HĐND tỉnh.
- Ông có thể cho biết ý nghĩa của hoạt động này?
- Hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử. Đại biểu HĐND có thể thực hiện quyền chất vấn tại kỳ họp hoặc giữa hai kỳ họp của HĐND. Thực tế, đây là những quy định không mới và đã được đề cập đến trong Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những quy định chung, chưa có quy trình cụ thể để thực hiện. Hiện nay, hoạt động chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp HĐND đã được quy định cụ thể về trình tự, thủ tục tại Điều 69 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Quy định mới này sẽ mang lại hiệu quả lớn trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND. Trước đây, tất cả các vấn đề cần chất vấn chủ yếu diễn ra tại các kỳ họp thường lệ của HĐND, trong một số trường hợp những vấn đề đặt ra có khi không còn tính kịp thời, không còn “nóng”. Với quy định mới này, những vấn đề bức xúc trong thực tế đời sống sẽ được Thường trực HĐND xem xét, chất vấn tại phiên chất vấn giữa hai kỳ họp hoặc phiên giải trình tại phiên họp gần nhất. Việc chất vấn giữa hai kỳ họp góp phần giảm áp lực về thời gian của kỳ họp, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm được xem xét, giải quyết ngay. Việc chất vấn tại phiên họp sẽ làm rõ được các vấn đề còn tồn tại, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và khẳng định, nâng cao vị thế của đại biểu HĐND tỉnh. Từ đó, hoạt động của HĐND sẽ được nâng lên rất nhiều về hiệu quả, hiệu lực và chất lượng.
- Tại phiên họp này, những vấn đề nào sẽ được Thường trực HĐND tỉnh đưa ra chất vấn và xem xét chất vấn, thưa ông?
- Như đã nói, chất vấn giữa hai kỳ họp là hình thức giám sát đặc biệt quan trọng. Nội dung chất vấn xuất phát từ kiến nghị của cử tri và những vấn đề xã hội đang quan tâm. Thực tế, thời gian qua, cử tri toàn tỉnh quan tâm đến nhiều vấn đề như: chính sách an sinh xã hội, những chính sách liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế, các giải pháp sản xuất nông nghiệp… Tuy nhiên, từ thực tiễn cuộc sống, từ hoạt động tiếp xúc cử tri và qua thu thập thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng, tại phiên họp này, Thường trực HĐND tỉnh sẽ lựa chọn, quyết định chất vấn 2 nhóm vấn đề về thực hiện các chính sách hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và về quy hoạch, phát triển ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Thường trực HĐND tỉnh đã nhận được 13 phiếu chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh với 21 câu hỏi chất vấn liên quan đến 2 nhóm vấn đề sẽ tiến hành chất vấn tại phiên họp. Thường trực HĐND tỉnh đã tổng hợp đầy đủ các nội dung chất vấn gửi đến người bị chất vấn để có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng câu hỏi trả lời tại phiên họp. Dự kiến Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ sẽ trực tiếp trả lời chất vấn tại phiên họp. Thường trực HĐND tỉnh cũng quyết định tổ chức truyền hình trực tiếp phiên chất vấn và xem xét trả lời chất vấn để cử tri, nhân dân toàn tỉnh theo dõi, giám sát.
Sau khi kết thúc hoạt động chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh sẽ thông qua Nghị quyết phiên họp trong đó kết luận cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trả lời chất vấn. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng, là chế tài cần thiết để bảo đảm lời hứa chất vấn sẽ được thực thi trên thực tế.
Đây là lần đầu tiên Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hoạt động chất vấn, xem xét chất vấn và hoạt động giải trình tại phiên họp. Thường trực HĐND tỉnh kỳ vọng hoạt động này sẽ tạo ra hiệu quả tích cực nhằm nâng cao vị thế của HĐND tỉnh và năng lực điều hành của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nguyện vọng, sự mong mỏi của nhân dân và cử tri toàn tỉnh.
- Xin cảm ơn ông!
H.L