Ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, ban đang tích cực đôn đốc đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử cách mạng các xã, phường, thị trấn để đến năm 2018 sẽ hoàn thành...
Ông Hồ Văn Mừng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, ban đang tích cực đôn đốc đẩy nhanh tiến độ biên soạn lịch sử cách mạng các xã, phường, thị trấn để đến năm 2018 sẽ hoàn thành việc biên soạn, xuất bản các ấn phẩm theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.
Tích cực triển khai
Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 24-11-2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường, thị trấn, thời gian qua, cấp ủy các địa phương đã tích cực triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường, thị trấn và đến nay đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Nghiên cứu lịch sử cách mạng địa phương |
Trước khi Chỉ thị số 05 được ban hành, toàn tỉnh chỉ có 5 xã xuất bản sách lịch sử cách mạng, đến nay, đã có 74 xã, phường, thị trấn xuất bản sách lịch sử cách mạng địa phương (TP. Nha Trang: 18/27; TP. Cam Ranh: 15/15; huyện Cam Lâm: 14/14; thị xã Ninh Hòa: 11/27; huyện Diên Khánh: 7/19; huyện Vạn Ninh: 6/13; huyện Khánh Sơn: 3/8). Như vậy, đến nay, TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm đã hoàn thành công tác biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường, thị trấn; riêng huyện Khánh Vĩnh chưa có xã, thị trấn nào xuất bản ấn phẩm lịch sử cách mạng địa phương.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 17 xã, phường, thị trấn đã trình bản thảo cuốn lịch sử cách mạng của địa phương cho Hội đồng thẩm định góp ý, đang chỉnh sửa, bổ sung các góp ý để hoàn chỉnh bản thảo trước khi xin giấy phép xuất bản; 4 xã, phường đã được Hội đồng thẩm định thông qua và đang in ấn xuất bản. Các xã, phường, thị trấn còn lại đang triển khai sưu tầm tư liệu, biên soạn.
Đối với công tác biên soạn lịch sử đảng bộ của các huyện, thị xã, thành phố, huyện Khánh Vĩnh đã biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh giai đoạn đến năm 2010; TP. Nha Trang đã biên soạn Lịch sử Đảng bộ TP. Nha Trang đến năm 2005; các huyện, thị xã, thành phố khác đã biên soạn lịch sử đảng bộ giai đoạn đến năm 1975 và hiện nay đang triển khai biên soạn lịch sử đảng bộ giai đoạn 1975 - 2010.
Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhìn chung, các cuốn lịch sử cách mạng địa phương đã xuất bản được biên soạn theo đúng quy trình, tuân thủ tương đối chặt chẽ những nguyên tắc của một tác phẩm khoa học lịch sử. Nội dung các ấn phẩm lịch sử đã tập trung làm rõ, lý giải một cách khoa học về bối cảnh lịch sử, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, về phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, đảm bảo tính khách quan, tính đảng, tính khoa học. Đồng thời, cũng thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đáp ứng được sự mong mỏi của các đồng chí lão thành cách mạng và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ biên soạn
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác biên soạn lịch sử cách mạng địa phương còn một số hạn chế. Đó là, tiến độ chỉ đạo triển khai sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường, thị trấn ở một số địa phương chậm, gặp nhiều khó khăn do thiếu tư liệu và người biên soạn. Việc triển khai, biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường, thị trấn đồng loạt trên địa bàn tỉnh đã tạo áp lực về tiến độ thời gian thực hiện, dẫn đến tình trạng một tác giả cùng một thời gian ký hợp đồng biên soạn cho nhiều xã, phường, thị trấn; vì vậy, đã ảnh hưởng nhất định đến chất lượng các ấn phẩm lịch sử.
So với mục tiêu đề ra tại Chỉ thị số 05 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là “phấn đấu đến năm 2015, tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh hoàn thành việc biên soạn lịch sử cách mạng của địa phương” thì tiến độ biên soạn, xuất bản ấn phẩm lịch sử ở một số địa phương còn chậm. Để các xã, phường, thị trấn tập trung tổ chức sưu tầm tư liệu và biên soạn, đảm bảo chất lượng của ấn phẩm lịch sử khi xuất bản, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo kéo dài thời gian hoàn thành việc biên soạn, xuất bản lịch sử cách mạng hoặc biên niên lịch sử các xã, phường, thị trấn đến năm 2018.
Theo ông Hồ Văn Mừng, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng các địa phương là một trong những nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Đảng, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để nâng cao chất lượng các ấn phẩm lịch sử, hoàn thành việc biên soạn, xuất bản sách lịch sử cách mạng hoặc biên niên lịch sử các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh vào năm 2018 theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ về chuyên môn, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ biên soạn, xuất bản. Bên cạnh đó, Ban cũng yêu cầu các cấp ủy quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung nhằm phát huy giá trị của các ấn phẩm lịch sử cách mạng địa phương đã xuất bản, nhất là đối với việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
N.D