02:03, 09/03/2017

Phát hiện 27.327 vụ hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại

Sáng 9-3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2016, phương hướng công tác năm 2017 của ban chỉ đạo.

Sáng 9-3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2016, phương hướng công tác năm 2017 của ban chỉ đạo. Tại đầu cầu Khánh Hòa, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và các thành viên trong Ban chỉ đạo 389 tỉnh tham dự.

 

Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Khánh Hòa.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Khánh Hòa.


Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh biên giới và trên tuyến đường sắt Bắc – Nam. Năm 2016, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 223.262 vụ vi phạm (tăng 8,2% so với năm 2015); thu nộp ngân sách hơn 21.556 tỷ đồng (tăng 59,2% so với năm 2015). Trong 2 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện 27.327 vụ vi phạm; xử lý và thu nộp ngân sách khoảng 1.647,6 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm tập trung vào nhóm các mặt hàng cấm, hàng có thuế xuất cao, hàng tiêu dùng thiết yếu như: ma túy, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, mỹ phẩm, đồ điện tử…


Tại Khánh Hòa, năm 2016, lực lượng chức năng phát hiện 2.699 vụ vi phạm; đã xử lý và thu nộp ngân sách hơn 158 tỷ đồng. Riêng 2 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã mở đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và phát hiện 524 vụ vi phạm.


Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian qua vẫn chưa phù hợp với tình hình thực tế, còn nhiều tồn tại, bấp cập. Do đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc đánh giá những hạn chế, tồn tại trong công tác này, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác. Các bộ, ngành và địa phương cần phân tích, nắm bắt tình hình thực tế, tập trung kiểm tra tình hình buôn bán, kinh doanh các mặt hàng trọng điểm; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động kiểm tra. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu, địa phương để điều chỉnh công tác của ban Chỉ đạo trong thời gian tới…


H.DUNG