Trong khuôn khổ APEC 2017 tại thành phố Nha Trang, sáng 18-2, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ trì cuộc họp lần thứ 9 Nhóm Cơ chế Đối tác chính sách Khoa học, công nghệ và Đổi mới APEC (PPSTI-9). Dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Trong khuôn khổ APEC 2017 tại thành phố Nha Trang, sáng 18-2, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ trì cuộc họp lần thứ 9 Nhóm Cơ chế Đối tác chính sách Khoa học, công nghệ và Đổi mới APEC (PPSTI-9). Dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, đại diện 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Đại biểu bên lề hội nghị APEC 2017 |
Theo chương trình nghị sự của PPSTI-9, các nền kinh tế thành viên APEC sẽ thảo luận, cập nhật thông tin về các dự án đang triển khai và thông qua các dự án hợp tác mới trong khuôn khổ PPSTI; thảo luận, đề xuất phương hướng tăng cường hoạt động của Nhóm PPSTI với các Tiểu ban/Nhóm công tác khác trong khuôn khổ cơ chế hợp tác APEC, v.v. Trong Năm APEC 2017, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch Nhóm PPSTI. Dự kiến, Việt Nam sẽ trình bày đề xuất mới về “Phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong các nền kinh tế đang phát triển APEC”; cập nhật về dự án đang triển khai “Xúc tiến thương mại hóa, hợp tác đầu tư đối với sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiềm năng ở thị trường ngoài nước trong một số lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam đến 2020” và trình bày về một số nội dung liên quan đến Giải thưởng về Đổi mới sáng tạo, Nghiên cứu và Giáo dục của APEC (ASPIRE).
Ngoài cuộc họp trên, từ ngày 18 đến 21-2, Bộ KH&CN còn được phân công làm đầu mối tổ chức các cuộc họp: Cuộc họp lần thứ nhất Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn APEC (SCSC-1) và Cuộc họp lần thứ 44 Nhóm Chuyên gia APEC về Sở hữu trí tuệ (IPEG-44). Trong khuôn khổ Cuộc họp SCSC-1, 2 sự kiện sẽ được tổ chức bao gồm: Cuộc họp của các tổ chức chuyên ngành khu vực APEC (SRB) và Hội nghị của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC). Các cuộc họp này tập trung trao đổi về các nội dung đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn, đánh giá công tác hợp chuẩn nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại trong khu vực APEC, ưu tiên thúc đẩy nền kinh tế số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chia sẻ thực hành quy định tốt (GRP), trong đó nhấn mạnh thúc đẩy phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia và các ưu tiên như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển thành phố thông minh; bàn biện pháp kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường phối hợp giữa các thành viên trong khuôn khổ hoạt động WTO/TBT-SPS, giữa SCSC và các tổ chức quốc tế, khu vực như ISO, IEC, PASC, APLAC, APMLF…; chia sẻ thông tin về hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, chứng nhận, đổi mới công nghệ, giáo dục tiêu chuẩn trong trường học… Theo đó, với tư cách Chủ tịch SCSC năm 2017, đoàn Việt Nam đã chủ động đưa ra Sáng kiến về “Chia sẻ thực hành tốt nhất về việc áp dụng tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp đối với Đô thị thông minh trong khu vực APEC”. Sáng kiến này tập trung vào việc chia sẻ kinh nghiệm thực tế, thực hành tốt và trao đổi thông tin về hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp nhằm phục vụ phát triển mô hình đô thị thông minh trong khu vực.
Cuộc họp IPEG 44 sẽ thảo luận về các nội dung trọng tâm gồm: Tăng cường đối thoại về chính sách sở hữu trí tuệ và thảo luận các biện pháp nâng cao hiệu quả của hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ, thực hiện Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS của WTO); Nỗ lực triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động tập thể (CAP) về sở hữu trí tuệ nhằm đạt các mục tiêu Bô-go của APEC về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020; Phát triển nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ cho các nền kinh tế đang phát triển và chậm phát triển; Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ; Khuyến khích sử dụng, khai thác và thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ. Đoàn Việt Nam sẽ có 2 bài trình bày tại cuộc họp, đó là: “Quy trình xử lý đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Hệ thống Madrid tại Cục Sở hữu trí tuệ” và “Hoạt động đổi mới, sáng tạo của Việt Nam”. Bên lề Cuộc họp IPEG 44, đại diện của Việt Nam sẽ có các cuộc họp song phương với một số nền kinh tế thành viên để bàn kế hoạch hợp tác song phương về sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.
X.T