Liên quan đến hiện tượng cá biển tự nhiên và cá nuôi ở vùng biển vũng Sim huyện Vạn Ninh chết hàng loạt, chiều 29-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuộc họp nghe ý kiến các nhà khoa học về nguyên nhân cá chết.
Liên quan đến hiện tượng cá biển tự nhiên và cá nuôi ở vùng biển vũng Sim huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt, chiều 29-11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức cuộc họp nghe ý kiến các nhà khoa học về nguyên nhân cá chết.
Nguyên nhân do tảo gây hại
Tại cuộc họp, ông Đặng Hoàng Giang San - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Môi trường - Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Trung (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III) cho biết: Cá chết không có biểu hiện bệnh. Kết quả phân tích mẫu môi trường nước thu được tại vùng biển thôn Vĩnh Yên (xã Vạn Thạnh) ngày 24-11 của trung tâm có kết quả như sau: các chỉ số môi trường như: pH, NH3, H2S, NO2-N, COD đều đạt so với quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển (đối với vùng nước nuôi trồng thủy sản, bảo tồn thủy sinh); chỉ số môi trường PO4 (nước mặt là 0,392mg/l) vượt so với quy chuẩn (0.2mg/l), đồng thời hàm lượng ô xy hòa tan (DO) ở tầng mặt thấp hơn quy chuẩn. Đáng chú ý, có sự xuất hiện tảo gây hại với mật độ cao ở tầng mặt là: tảo Ceratium SP. (mật độ 375.000 tế bào/ml) và tảo Peridinium SP. (mật độ 1.500 tế bào/ml), ở tầng đáy tảo Ceratium SP. có mật độ 262.000 tế bào/ml. Các loại tảo này khi phát triển mạnh sẽ gây mất ôxy cục bộ, gây biến động các chỉ tiêu môi trường, ảnh hưởng đến sinh vật biển. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết ở Vạn Ninh thời gian qua.
Cá bớp nuôi của một hộ dân thôn Vĩnh Yên bị chết |
Còn theo ông Nguyễn Hữu Huân - đại diện Viện Hải dương học (Nha Trang), rất có thể trong điều kiện xuất hiện các loại tảo Ceratium SP., Peridinium SP. với mật độ dày, các loại tảo này sẽ bám vào mang cá, gây hiện tượng nghẽn mang, ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của cá khiến cá chết do ngợp thở. Sự xuất hiện dày của các loại tảo này cũng phù hợp với ảnh vệ tinh quan sát được của Viện Hải dương học trong thời gian cá chết ở Vạn Ninh.
Chung quan điểm, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường) cho rằng, kết quả phân tích sơ bộ 4 mẫu nước lấy ở tầng mặt, tầng đáy tại Vạn Ninh đều có tảo Ceratium SP. với mật độ 514.500 tế bào/ml, phù hợp với kết quả phân tích sơ bộ mẫu cá chết có hiện tượng tắc nghẽn cơ quan hô hấp, làm cá không trao đổi được ô xy, gây nên hiện tượng cá chết.
Các ghe giã cào thu gom hải sản chết trên biển |
Sau khi nghe ý kiến phân tích từ các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT nhận định: Nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết ở Vạn Ninh thời gian qua là do tảo Ceratium SP. xuất hiện với mật độ cao, các loài tảo này đã nở hoa (thủy triều đỏ) gây tắc hệ thống mang và giảm ô xy hòa tan trong nước, tác động lên quá trình hô hấp của cá. Ngay trong ngày 29-11, Sở NN-PTNT đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh để báo cáo tình hình cũng như nguyên nhân gây cá chết ở Vạn Ninh những ngày qua.
Ông Lê Tấn Bản chỉ đạo, các đơn vị quản lý chuyên ngành trực thuộc sở tiếp tục cử cán bộ tăng cường giám sát vùng nuôi, nắm chắc diễn biến tình hình tại vùng biển Vạn Ninh những ngày tới. Đồng thời, đề nghị Sở Tài Nguyên - Môi trường phối hợp với Sở NN-PTNT thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp, nếu có diễn biến phức tạp thì tiếp tục lấy mẫu để phân tích sâu hơn. Ngoài ra, hiện nay, dòng nước đỏ vẫn tiếp tục luẩn quẩn trong vịnh Vân Phong, vì thế, đề nghị UBND huyện Vạn Ninh phối hợp với các cơ quan chuyên ngành thông báo, khuyến cáo kịp thời nguyên nhân cho người dân biết và có sự phản hồi để cơ quan chức năng theo dõi, xử lý, hướng dẫn, tránh hoang mang cho người dân…
Hơn 117 tấn cá bớp nuôi bị chết
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT khuyến cáo: Người dân nuôi trồng thủy sản khi phát hiện dòng nước màu đỏ, nâu, có mùi hôi xuất hiện thì cần phải di dời ngay lồng bè; thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe thủy sản nuôi, nhất là vào ban đêm, nên sử dụng các loại thức ăn bổ sung để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; không nên tiếp tục thả giống nuôi trồng trong giai đoạn môi trường biến động hiện nay. Đối với các hộ nuôi đang còn cá tiếp tục theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu bất thường cần báo kịp thời cho chính quyền, cơ quan chức năng nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. |
Trong 2 ngày 28 và 29-11, cá bớp nuôi ở vùng biển Đầm Môn (xã Vạn Thạnh) liên tục chết, hiện nay, chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Hiện nay, hiện tượng cá tự nhiên chết không còn nhưng vấn đề lo lắng nhất là cá bớp nuôi đang chết hàng loạt. Từ ngày 28 đến 13 giờ ngày 29-11, đã có 35 hộ nuôi cá bớp tại khu vực Đầm Môn bị thiệt hại 100%, với tổng số lồng nuôi lên đến 240 lồng, tương đương 24.000 con cá bớp kích cỡ 2 - 8kg/con, sản lượng thiệt hại lên đến 117,5 tấn”. Cũng theo ông Ý, hiện người dân địa phương rất hoang mang. UBND huyện Vạn Ninh kiến nghị các cơ quan chức năng điều tra, khảo sát tình hình, sớm xác định nguyên nhân cá chết. “Một điều đáng lo nữa là ở khu vực Vạn Thạnh hiện có nhiều lồng bè nuôi tôm hùm, cũng rất dễ bị thiệt hại. UBND huyện đã có khuyến cáo cụ thể đến các hộ nuôi tôm hùm”, ông Ý nói.
Theo thông tin của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, tại khu vực Đầm Môn cũng xuất hiện luồng nước đỏ, từ khi có luồng nước đỏ này thì bắt đầu có hiện tượng cá nuôi chết. “Chúng tôi đã lấy mẫu cá bớp chết để gửi cơ quan chức năng phân tích tìm nguyên nhân. Địa phương kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi có cá chết, bởi qua thống kê chưa đầy đủ, thiệt hại về cá nuôi đến thời điểm này đã lên đến 12 tỷ đồng, ước thiệt hại vẫn chưa dừng lại ở con số này”, ông Ý nói thêm.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở NN-PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương xét nghiệm mẫu cá bớp chết, môi trường nước tại khu vực Đầm Môn để khẳng định chắc chắn nguyên nhân gây cá bớp nuôi chết hàng loạt ở Đầm Môn. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT sẽ rà soát, báo cáo tình hình thiệt hại lên UBND tỉnh, xem xét các chính sách để hỗ trợ kịp thời cho người dân.
HẢI LĂNG