Triển khai thực hiện Kế hoạch số 1856 ngày 23-3-2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2016 - 2020...
Triển khai thực hiện Kế hoạch số 1856 ngày 23-3-2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2016 - 2020, Thượng tá Nguyễn Đức Thành - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh cho biết:
- Tại Khánh Hòa, thời gian qua chưa xảy ra vụ việc nào liên quan đến tội phạm mua bán người bị đưa ra truy tố, xét xử. Tuy vậy, cơ quan công an cũng đã tiếp nhận một số vụ việc có biểu hiện liên quan đến tội phạm mua bán người.
- Xin ông cho biết, phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người hiện nay?
- Tội phạm mua bán người thường nhắm tới những người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thất nghiệp và học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin để lừa gạt với lời hứa hẹn về công việc có lương cao, kết hôn với người nước ngoài, ngụy trang dưới vỏ bọc xuất khẩu lao động hợp pháp.
Tội phạm mua bán người thường có nhiều “chân rết” hoạt động ở hầu hết các địa phương. Mỗi trường hợp “chân rết” môi giới thành công đều được trả hoa hồng nên đã kích thích tội phạm mua bán người hoạt động ngày một phức tạp.
- Để phòng ngừa tội phạm mua bán người, PC45 đã có những hoạt động gì, thưa ông?
- PC45 đã phối hợp với công an các địa phương tiến hành rà soát nắm tình hình, số đối tượng, đường dây, số người bị mua bán trên địa bàn tỉnh. Tuy chưa phát hiện vụ việc liên quan đến hoạt động tội phạm mua bán người nhưng chúng tôi vẫn xác định những tuyến, địa bàn trọng điểm có khả năng xảy ra hoạt động mua bán phụ nữ, trẻ em tại địa phương như: tuyến Quốc lộ 1, địa bàn TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa để có biện pháp phát hiện, ngăn chặn.
Bên cạnh đó, PC45 còn phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công an các địa phương chủ động phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm mua bán người lợi dụng sơ hở, thiếu sót để hoạt động, nhất là trong lĩnh vực hôn nhân có yếu tố nước ngoài, xuất khẩu lao động, du lịch để đưa người ra nước ngoài. Cùng với đó, hướng dẫn công an các địa phương, nhất là lực lượng công an cơ sở chú ý áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, quản lý các đối tượng có biểu hiện nghi vấn; thường xuyên rà soát các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những cơ sở có biểu hiện mua bán trẻ em núp bóng các hình thức.
Ngoài ra, PC45 còn phân công nhiều lượt cán bộ tham gia cùng các đơn vị liên quan tổ chức các đợt tuyên truyền phòng, chống tội phạm nói chung và lồng ghép tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người để nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân, vận động người dân tích cực tham gia tố giác tội phạm mua bán người.
- Xin cảm ơn ông!
THÀNH LONG (Thực hiện)