Chiều 16-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến khẩn cấp với 22 tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 7. Tại đầu cầu Khánh Hòa, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Chiều 16-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến khẩn cấp với 22 tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 7. Tại đầu cầu Khánh Hòa, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Theo cơ quan chuyên môn, lúc 14 giờ ngày 16-10, bão số 7 (tên quốc tế là Sarika) đang cách quần đảo Hoàng Sa về phía đông khoảng 700km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16. Dự báo đến 10 giờ ngày 17-10, vị trí tâm bão sẽ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16 - 17. Đây là một cơn bão phức tạp và rất nguy hiểm.
Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các ngành, địa phương vào cuộc quyết tâm ở mức cao nhất nhằm chủ động và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Các địa phương xác định vùng có nguy cơ ngập, mức độ ngập để kịp thời sơ tán, di dời dân đến nơi an toàn; rà soát phương án phòng, chống thiên tai đã xây dựng; chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các địa phương chủ động di dời dân khỏi những nơi xung yếu, không được để người dân nào đói, không được để xảy ra sự cố liên quan đến các hồ, đập thủy điện; tập trung, chủ động, quyết liệt với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với cơn bão số 7”.
Theo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa, công tác ứng phó bão đã được triển khai sâu rộng. Trong đó, đặc biệt là nhiệm vụ thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết về tình hình cơn bão; thông báo và thông tin đến các địa phương và đơn vị liên quan để chủ động triển khai công tác phòng, chống; tổ chức trực ban 24/24 giờ. Hiện nay, Khánh Hòa đang có 2.218 tàu cá, hơn 9.000 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt ở các vùng biển như: Trường Sa, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu, Đồng Tháp, Kiên Giang... Các phương tiện đã nắm được thông tin của bão và di chuyển đến nơi tránh trú đảm bảo an toàn. Các đơn vị quản lý hồ chứa tổ chức trực 24/24 giờ, đồng thời triển khai kiểm tra các công trình, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến của bão để có kế hoạch tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và tránh ngập lụt cho vùng hạ du. Các địa phương đã có phương án chủ động khơi thông dòng chảy, tiêu úng, chống ngập khi có tình huống mưa lớn có khả năng gây ngập lụt xảy ra.
H.Đ