08:11, 05/11/2015

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Khí tượng thủy văn

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngày 5/11, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khí tượng thủy văn.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ngày 5/11, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khí tượng thủy văn.


Do là luật chuyên ngành, lại đã được thảo luận tại kỳ họp trước nên tổng cộng chỉ có 10 đại biểu phát biểu ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật.


Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật; quy định những hành vi bị cấm; bảo vệ công trình khí tượng thủy văn; quản lý, khai thác mạng lưới khí tượng thủy văn; hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn…


Điều 5 về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động khí tượng thủy văn, Khoản 3 có quy định: "Ưu tiên đầu tư xây dựng mạng viễn thông dùng riêng cho hoạt động thu nhận truyền phát thông tin, dữ liễu phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai". Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP. Cần Thơ) cho rằng cần cân nhắc thêm điều này.


“Có thật sự phải ưu tiên xây dựng mạng viễn thông riêng không? Có khả thi về đầu tư không? Có khai thác hết hiệu quả không?”, đại biểu Phương nêu câu hỏi.


Từ đó, đại biểu này cho rằng Nhà nước cần ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện đại cho mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, cho quan trắc và cơ sở dữ liệu để đưa ra các kết quả dự báo chính xác cao. Đây là những nội dung quan trọng hơn và cần được quy định rõ trong luật.


Một số ĐBQH cũng nêu ý kiến về quy định “thông tin dự báo, cảnh báo phải đảm bảo đủ độ tin cậy”. Các ĐBQH cho rằng, quy định như vậy là chưa chuẩn, mang tính định tính trong khi đây là yêu cầu mang tính định lượng.


“Thế nào là đảm bảo độ tin cậy? Tôi cho rằng khái niệm này thường chỉ dùng trong trao đổi quan hệ xã hội và không thể cụ thể định lượng được. Thực tế, rất khó có thể quy định cụ thể thế nào là đảm bảo độ tin cậy một cách có khoa học và có căn cứ”, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) nói.


Các ĐBQH cũng đặt vấn đề khi bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn thiếu chính xác gây hậu quả thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó chịu trách nhiệm thế nào.


Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng bản thân của dự báo đã hàm chứa sự thiếu chính xác do quy luật vận động, phức tạp của tự nhiên và xã hội, nhất là đối với sự bất thường, khó lường của tự nhiên trong dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.


Do vậy, ý kiến ĐBQH cho rằng chỉ nên quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về những hành vi của mình được pháp luật quy định trong quá trình thực thi nhiệm vụ để đưa ra dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn. Như vậy, vừa đảm bảo được tính cụ thể, minh bạch, khả thi của luật, vừa đảm bảo được tính khách quan của sự việc.


Tuy nhiên, cũng có những ý kiến không đồng tình với cách tiếp cận này. ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng quy định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi dự báo sai là chưa rõ.


“Đành rằng thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, nhưng cứ dự báo theo kiểu dự báo quá lên để cho an toàn cũng gây thiệt hại không kém so với dự báo sai”, đại biểu Sơn nói.


Kết luận phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi lại Dự thảo để đảm bảo tính chặt chẽ, cụ thể, đồng bộ, thống nhất của pháp luật, nhằm đạt được mục đích, yêu cầu, quan điểm và sự cần thiết xây dựng luật như đã trình Quốc hội.


Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Khí tượng thủy văn tại kỳ họp này.


Theo chinhphu.vn