09:11, 05/11/2015

Đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định tạo thuận lợi thương mại

Đầu phiên làm việc kỳ họp thứ 10 sáng 5/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang báo cáo với Quốc hội về đề nghị phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập WTO.

Đầu phiên làm việc kỳ họp thứ 10 sáng 5/11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang báo cáo với Quốc hội về đề nghị phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập WTO.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập trên cơ sở kế thừa và mở rộng phạm vi điều tiết thương mại quốc tế theo Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT 1994. Thành viên gia nhập WTO đều phải thông báo việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định Marrakesh thành lập WTO (sau đây gọi là Nghị định thư gia nhập).


Ngày 29/11/2016, Quốc hội nước ta đã phê chuẩn Nghị định thư này.


Nhằm thúc đẩy hơn nữa vấn đề tạo thuận lợi thương mại ở phạm vi toàn cầu, WTO đã tiến hành đàm phán xây dựng một văn kiện mới có tên gọi: Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (Hiệp định TF). Kết quả đàm phán văn kiện này đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Bali, Indonesia tháng 12/2013.
Để đưa Hiệp định TF vào hệ thống văn bản pháp luật chính thức của WTO, tháng 11/2014, WTO đã thông qua văn kiện có tên gọi “Nghị định thư sửa đổi  Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới” với phụ lục đi kèm là Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại.


Theo quy  định, Nghị định thư sửa đổi sẽ có hiệu lực khi có 2/3 số thành viên WTO hoàn tất thủ tục phê chuẩn và thông báo chấp nhận Nghị định thư sửa đổi này tới Ban Thư ký WTO.


Báo cáo với Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, nếu khi đã có đủ 2/3 số thành viên WTO hoàn tất phê chuẩn, Việt Nam mặc nhiên phải tuân thủ thực hiện theo nghĩa vụ thành viên WTO. Khi đó, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội khai thác nguồn hỗ trợ kỹ thuật phục vụ triển khai Hiệp định tạo thuận lợi thương mại.


Trên cơ sở đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình trước Quốc hội những nội dung cụ thể để Quốc hội có thể sớm phê chuẩn.


Phê chuẩn sớm sẽ có lợi


Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thuyết trình về Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập WTO.


Theo đó, nội dung chính của Hiệp định TF là các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan với cơ chế giám sát của các quốc gia thành viên WTO.


“Việc sớm phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi sẽ tạo thêm căn cứ pháp lý quốc tế để đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với mục tiêu đặt ra của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016”, Tờ trình của Chính phủ viết.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Hiệp định TF còn đặt ra các tiêu chuẩn thuận lợi hóa thương mại rõ ràng, thống nhất, toàn diện theo các chuẩn mực quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang triển khai các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết cao về thuận lợi hóa thương mại, việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi để đưa Hiệp định TF sớm có hiệu lực sẽ tạo thuận lợi  cho việc triển khai các Hiệp định Thương mại tự do trong thời gian tới.


Sau khi Hiệp định TF có hiệu lực, WTO sẽ thành lập một đầu mối tiếp nhận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật có giá trị lớn từ các nước, tổ chức quốc tế để giúp các thành viên đang và chậm phát triển triển khai Hiệp định TF.


Một trong những nguyên tắc hỗ trợ quốc tế là phải đảm bảo tính trách nhiệm, tính hiệu quả khi sử dụng nguồn lực này. Do vậy, việc sớm phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi sẽ tạo điều kiện giúp Việt Nam có được nguồn hỗ trợ kỹ thuật đáng kể phục vụ cho tiến trình cải cách thủ tục hành chính nói chung và triển khai Hiệp định TF nói riêng một cách hiệu quả nhất.


Tính đến tháng 10/2015, đã có 49 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo về việc phê chuẩn Nghị định thư, trong số đó, khu vực Đông Nam Á có 4 nước: Lào, Singapore, Malaysia và Thái Lan, các nước còn lại trong khu vực cũng đang rất tích cực triển khai hoàn tất thủ tục phê chuẩn.


Theo chương trình kỳ họp, chiều 5/11, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về nội dung này.


Theo chinhphu.vn