Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có sự chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông giảm dần hàng năm. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết.
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có sự chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông (TNGT) giảm dần hàng năm. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người chết.
Ngay sau khi Chính phủ có Nghị quyết 88 về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện; đề ra các giải pháp có hiệu quả tăng cường công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai hiệu quả chủ đề “Phòng chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông” do Ủy ban ATGT quốc gia phát động. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng rượu bia đối với sức khỏe và trật tự an toàn xã hội; nguy cơ và hậu quả TNGT có nguyên nhân từ rượu bia, các quy định của pháp luật về xử phạt đối với lái xe uống rượu bia.
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông |
Công an tỉnh xây dựng 7 kế hoạch, huy động lực lượng toàn ngành, đặc biệt chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. Qua đó, bố trí 1.586 ca tuần tra kiểm soát, phát hiện lập biên bản 14.091 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 9.370 trường hợp với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyên đề đội mũ bảo hiểm (MBH); tuyên truyền đội MBH cho trẻ em theo quy định khi tham gia giao thông, sử dụng MBH bảo đảm chất lượng; tổ chức ký cam kết đội MBH khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy... Lực lượng CSGT trên toàn tỉnh tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ vậy, hiện nay, tỷ lệ người đi mô tô, xe máy đội MBH khá cao, trong đó đô thị đạt 96 - 98%, quốc lộ khoảng 95%, các tuyến tỉnh lộ khoảng 90%. Song song đó, lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông còn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các lỗi vi phạm khác như: điều khiển xe vượt tốc độ; dừng đỗ xe không đúng nơi quy định; kiểm soát tải trọng...
Tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh giảm dần hàng năm. Cụ thể, năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 524 vụ TNGT, làm 176 người chết; năm 2014 giảm xuống còn 215 vụ, làm 166 người chết. Riêng 9 tháng năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 132 vụ, làm 108 người chết; so với cùng kỳ năm 2014, số vụ giảm 9,6%, số người chết giảm 5,3%. Bên cạnh đó, 4 năm liền toàn tỉnh không xảy ra TNGT đường thủy, TNGT đường sắt xảy ra 54 vụ, làm 53 người chết. |
Theo ông Nguyễn Xuân Chánh, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 88 của Chính phủ, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh được kiềm chế. Tuy nhiên, trong năm 2013 và 2014 vẫn còn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 1A, đường Khánh Lê - Lâm Đồng... Mặt khác, tuy người dân đã có sự chuyển biến về nhận thức nhưng một số trường hợp vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, vẫn còn tình trạng uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ...
Trước tình hình đó, thời gian tới, các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường và các đơn vị tiếp tục xây dựng chương trình hành động cụ thể, tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo TTATGT. Bên cạnh đó, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT tới mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm TTATGT; quản lý việc đào tạo, sát hạch lái xe, cấp giấy phép lái xe; đăng kiểm phương tiện giao thông; quản lý hoạt động vận tải... Đối với đường sắt, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cao về TNGT, vì vậy, các địa phương cần phối hợp với ngành Đường sắt rà soát các địa điểm nguy hiểm để huy động nguồn kinh phí, bố trí người canh gác, không trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước.
K.H