Trong thời gian qua, các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và các hoạt động từ thiện xã hội…, qua đó góp phần quan trọng vào công việc chung của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời gian qua, các tôn giáo ở Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và các hoạt động từ thiện xã hội…, qua đó góp phần quan trọng vào công việc chung của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện nghi thức thả chim bồ câu tại Đại lễ Phật Đản. (Ảnh:TA). |
Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cho biết: Đến nay, Nhà nước ta đã công nhận 41 tổ chức thuộc 14 tôn giáo với hơn 22,1 triệu tín đồ các tôn giáo, trong đó Phật giáo có hơn 10 triệu tín đồ, Công giáo có trên 6 triệu tín đồ, Cao Đài với 2,3 triệu tín đồ (đã công nhận 10 hội thánh và 1 pháp môn), Phật giáo Hòa Hảo hơn 1,3 triệu tín đồ, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam khoảng 1,5 triệu tín đồ, Tin Lành có hơn 1 triệu tín đồ (đã công nhận 10 hội thánh)… Khẳng định vai trò, vị trí của mình trong đời sống chính trị, xã hội, kể từ ngày thành lập đến nay, MTTQ Việt Nam đã không ngừng động viên các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo phát huy truyền thống yêu nước để xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong ngôi nhà chung - MTTQ Việt Nam, trong những năm qua, các tôn giáo trong cả nước đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo tham gia thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; sống “Tốt đời đẹp đạo” và tích cực tham gia phát triển cộng đồng thông qua các Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… Các cuộc vận động này góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đúng như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo với dân tộc: Kính Chúa gắn liền với yêu nước, phụng sự Thiên Chúa và phụng sự Tổ quốc, nước có vinh thì đạo mới sáng, nước có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự do.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tôn giáo còn triển khai các phong trào thi đua yêu nước mang đặc điểm riêng như: phong trào xây dựng “Chùa cảnh tinh tiến”, “Chùa cảnh văn hoá” trong Phật giáo, phong trào xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo” trong đồng bào Công giáo; phong trào “Nồi cháo tình thương” giúp đỡ bệnh nhân nghèo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo…
Phát huy truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, đồng bào các tôn giáo luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn"... tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Nhiều chức sắc, nhà tu hành, tín đồ đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào: Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng…
Đáng chú ý, từ năm 2004, hằng năm, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đều phối hợp với MTTQ Việt Nam đưa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình hoạt động Phật sự. Năm 2012, Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ban hành Thông tư số 065/TT-HĐTS hướng dẫn Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia phối hợp với Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố triển khai, nhân rộng mô hình “Sáng kiến lãnh đạo Phật giáo” tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Hay năm 2014, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và Ban Thường vụ Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về vận động chức sắc, tu sĩ và phật tử, giáo dân tham gia bảo vệ trật tự an toàn giao thông.
Qua các phong trào thi đua, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo được tôn vinh, khen thưởng. (Ảnh: hanam.gov.vn) |
Đặc biệt là trong năm 2014, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã ban hành các Thông điệp, Tuyên bố, Lời kêu gọi, công văn... kêu gọi chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo mình và các tổ chức đồng đạo ở ngoài nước có hành động thiết thực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Tham gia tích cực phát triển cộng đồng
Là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những năm qua, các tôn giáo còn tích cực tham gia phát triển cộng đồng thông qua việc xã hội hóa giáo dục, y tế và các hoạt động dạy nghề. Trong buổi tiếp xúc với đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận được tổ chức mới đây tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nêu rõ, Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam chủ trương phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ môi trường...
Tính đến tháng 10/2014, đã có 39 tỉnh, thành phố có cơ sở giáo dục mầm non tư thục do cá nhân tôn giáo thành lập (trong đó 26 tỉnh, thành phố có quy mô trường). Cụ thể, cả nước có 269 trường mầm non, 905 nhóm, lớp mầm non độc lập do các cá nhân tôn giáo thành lập, chiếm 15,6% so với số trường mầm non ngoài công lập trên phạm vi toàn quốc. Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục do cá nhân tôn giáo thành lập đã huy động 125.594 trẻ đến trường/lớp, chiếm 3,06% so với tổng số trẻ đến trường mầm non trên toàn quốc và chiếm 18,3% so với trẻ đến trường mầm non ngoài công lập. Hầu hết các cơ sở đều đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.
Cùng với đó, các tôn giáo còn tham gia tích cực vào việc xã hội hóa hoạt động y tế. Nói về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình cho biết, tính đến nay, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã mở được 185 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 143 cơ sở khám bệnh đông y hoặc đông tây y kết hợp; 42 cơ sở tây y. Trong 3 năm từ 2011 đến 2014, đã có gần 1.432.000 lượt người được khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo của các tôn giáo. Các tôn giáo phối hợp tổ chức các đoàn khám chữa bệnh lưu động, phát thuốc miễn phí cho hơn 177 triệu lượt người nghèo.
Đối với các hoạt động bảo trợ xã hội, cả nước có 402 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 233 cơ sở ngoài công lập thì đa số là của các tổ chức, cá nhân các tôn giáo. Hiện các cơ sở tôn giáo đang thực hiện việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 41.000 đối tượng, trong đó có 11.365 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi. Các địa phương có nhiều cơ sở bảo trợ xã hội của các tôn giáo thành lập là: Thành phố Hồ Chí Minh; Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Hà Nội, Vĩnh Long… Nhìn chung các cơ sở bảo trợ xã hội của các tôn giáo thành lập nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cơ bản đáp ứng được các quy định, giảm nhẹ được gánh nặng, sự quá tải của các trung tâm bảo trợ xã hội của nhà nước.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân với đại diện lãnh đạo các tôn giáo tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận trong buổi tiếp xúc ngày 4/9. (Ảnh: TA) |
Ngoài ra, các tổ chức tôn giáo còn tham gia tích cực vào hoạt động dạy nghề. Cụ thể, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã mở một số trường trung cấp nghề hoặc trung tâm dạy nghề. Điển hình như Tòa Giám mục Giáo phận Xuân Lộc (Đồng Nai) đã thành lập Trường Trung cấp nghề Hòa Bình; Trường Trung cấp nghề Tân Tiến do Dòng Don Bosco ở Bảo Lộc, Lâm Đồng thành lập; Trung tâm Dạy nghề tư thục Lasan Đà Lạt (trực thuộc Tỉnh Dòng Lasan Việt Nam); Trung tâm dạy nghề tư thục Vinh Sơn Đà Lạt (trực thuộc Dòng Vinh Sơn Việt Nam); 4 trung tâm dạy nghề của Dòng Don Bosco ở các địa phương khác…
Những kết quả nêu trên đã, đang và sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Để tiếp tục phát huy vai trò của các tôn giáo trong các phong trào thi đua yêu nước, tại buổi gặp mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận diễn ra ngày 4/9 vừa qua, các đại biểu đã đề nghị MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách pháp luật hiện hành về tôn giáo cần có những nội dung quy định cụ thể để quản lý và phát huy được những giá trị tốt đẹp trong tôn giáo và truyền thống của dân tộc, qua đó bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tôn vinh các giá trị tích cực của các tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Các đại biểu kiến nghị, hệ thống chính sách pháp luật cần sớm có các quy định cụ thể, rõ ràng và nhất quán để khuyến khích các tổ chức tôn giáo hợp pháp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước qua việc tham gia xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề…/.
Theo website ĐCSVN