06:08, 07/08/2015

Lực lượng Công an Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ

Tháng 8-1959, Đảng bộ tỉnh tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy chủ trương: lấy đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị của quần chúng, tổ chức các đội vũ trang công tác đi xây dựng cơ sở.

Tháng 8-1959, Đảng bộ tỉnh tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy chủ trương: lấy đấu tranh vũ trang hỗ trợ cho đấu tranh chính trị của quần chúng, tổ chức các đội vũ trang công tác đi xây dựng cơ sở. Từ năm 1960, cùng với khí thế chung của toàn miền Nam, phong trào cách mạng ở Khánh Hòa chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tấn công.


Bộ Công an chi viện cán bộ cho tỉnh Khánh Hòa, thành lập bộ phận an ninh gồm 6 đồng chí, giúp Tỉnh ủy chỉ đạo công tác an ninh. Cuối năm 1962, Ban An ninh Khánh Hòa được thành lập gồm 14 đồng chí, đóng tại xã Khánh Tây (Vĩnh Khánh). Sau Hội nghị An ninh toàn miền, tháng 4-1963 Ban An ninh Khánh Hòa xây dựng hệ thống ban an ninh các huyện, với nhiệm vụ diệt giặc, trừ gian, hỗ trợ quần chúng phá ấp chiến lược, giành quyền làm chủ.


Tháng 6-1963, lực lượng an ninh tham gia cùng quân và dân đánh bại chiến dịch “Thiềm đầu thủy” - cuộc càn quét dài ngày nhất, ác liệt nhất của địch lên vùng miền núi Khánh Sơn, Vĩnh Khánh, tiêu diệt trên 200 tên địch, trong đó có gần 60 tên trúng tên thuốc độc, hơn 70 tên sập bẫy hầm chông.


Năm 1964 - 1965, lực lượng an ninh tổ chức bắt bọn ác ôn ở các xã Diên Lạc, Diên Phước, Diên Thọ và phối hợp với đội công tác phá tan trung đội nghĩa quân đóng tại Đại Điền Đông (Diên Khánh). Ở Bắc Khánh, lực lượng an ninh phối hợp cùng các đội công tác mở đợt tấn công chính trị vào bộ máy ngụy quyền, răn đe 200 ấp trưởng, ấp phó, tề điệp ác ôn, bắt 27 tên đưa lên trại giam Đá Bàn; xử tử tên Phạm Ta - xã trưởng, là mật thám ác ôn; tước vũ khí của bọn dân vệ “thanh niên chiến đấu” ở các thôn Lạc Ninh, Lạc Bình, Ngọc Sơn...


Năm 1966 - 1967, lực lượng an ninh cùng quân và dân ta đẩy mạnh các mặt công tác, mở phong trào đồng bằng, nhiều cán bộ an ninh tỉnh, huyện đi vào vùng sâu trụ bám xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch, phục hồi phong trào ở các xã, tổ chức diệt ác, tuyên truyền vận động nhân dân biến ấp chiến lược thành làng chiến đấu. Tham gia bảo vệ khu căn cứ Hòn Dữ - Đá Treo của tỉnh, lực lượng an ninh vũ trang đã tiêu diệt 80 tên địch, buộc chúng phải rút khỏi vùng trọng điểm của cuộc càn, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não và các đồng chí lãnh đạo của tỉnh. Ban An ninh đã chỉ đạo toàn lực lượng xuống địa bàn tập trung các xã vùng sâu, luồn bám chắc bên trong để xây dựng và củng cố thực lực cách mạng, phục vụ các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương trụ lại ở đồng bằng, áp dụng chiến thuật “cuốn chiếu”, “hoa nở trong lòng dân” để diệt ác, phá kìm...


Mùa Xuân năm 1968, tham gia chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, Ban An ninh đã huy động tối đa lực lượng, bảo vệ an toàn các đoàn biểu tình vào thị xã, thị trấn; đánh chiếm các mục tiêu quân sự, hành chính của Mỹ - Ngụy, chiếm lĩnh một số nơi quan trọng trong thị xã Nha Trang...


Từ đầu năm 1969 đến Thu Đông năm 1971, Tỉnh ủy tổ chức sắp xếp lại lực lượng và chủ trương mở các chiến dịch với biệt danh HT, lực lượng an ninh từ Cam Ranh đến Vạn Ninh đã cùng với các đội công tác và bộ đội địa phương diệt ác, trừ gian, tước vũ khí, giải tán phòng vệ dân sự, rải truyền đơn kêu gọi binh sĩ về với Mặt trận, móc nối xây dựng cơ sở, đào hầm bí mật để cán bộ cách mạng bám trụ lãnh đạo phong trào. Tham gia Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, Ban An ninh phối hợp với các lực lượng và đội công tác lên phương án diệt những tên ác ôn ở từng địa phương. Cử lực lượng trụ bám đồng bằng, phát động phong trào quần chúng nổi dậy tấn công bọn tề ngụy ở các thôn, xã nhằm giành dân, giành quyền làm chủ, làm cho bọn tề ngụy ác ôn và phòng vệ dân sự ở một số nơi phải lẩn trốn, tan rã.


Từ tháng 1-1973, an ninh các huyện tham gia cắm cờ, giành dân, giữ đất trước ngày Hiệp định Paris có hiệu lực. Năm 1974, phát động phong trào “Bảo vệ trị an”, tổ chức cho hơn 4.500 lượt người học tập về công tác bảo mật, phòng gian.


Tháng 1-1975, quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị và Khu ủy chỉ đạo an ninh các địa phương triển khai phương án chiến đấu phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng an ninh Khánh Hòa đã thực hiện tốt kế hoạch của Tỉnh ủy, tăng cường điệp báo đô thị, củng cố trại giam, bảo vệ căn cứ và bám theo các đơn vị bộ đội tiền phương để phục vụ kế hoạch giải phóng phía bắc tỉnh.


Cùng với các lực lượng vũ trang của tỉnh, đoàn cán bộ chiến sĩ Ban An ninh Khánh Hòa do đồng chí Nguyễn Điểu phụ trách đã kịp thời về tiếp quản cơ quan cảnh sát đặc biệt ngụy. Bộ phận của ban được cử ở lại căn cứ do đồng chí Nguyễn Khắc Tường phụ trách, ngày 28-3 cũng đã xuống Đại Điền tham gia giải phóng Diên Khánh, sau đó xuống Nha Trang, bắt liên lạc với đoàn do đồng chí Nguyễn Điểu phụ trách. Qua hội ý phân công, lãnh đạo Ban An ninh quyết định tổ chức triển khai ngay việc tiếp quản các cơ quan đầu não, cơ quan đàn áp của ngụy như: Cảnh sát Quân khu 2, tòa hành chính, đài viễn thông, trụ sở Lãnh sự quán Mỹ, Ty Cảnh sát Khánh Hòa, phá trại giam giải phóng tù chính trị; thu giữ, bảo quản hồ sơ tài liệu địch để lại, đồng thời tuyển chọn và mở lớp đào tạo cấp tốc một số con em cán bộ cơ sở bổ sung cho lực lượng để đủ sức đảm đương nhiệm vụ tiếp quản và giữ gìn trật tự an ninh trong thành phố.


Lực lượng an ninh Vĩnh Trang và cơ sở dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thị ủy hoạt động nội thành đã chớp thời cơ giải phóng khu vực phường Vĩnh Trường đêm 31-3 rạng ngày 1-4. Vùng nông thôn các huyện Vĩnh Xương, Diên Khánh, Thành Diên Khánh cũng được giải phóng trong ngày 2-4. Chỉ sau 5 ngày giải phóng, ta đã tiếp quản hầu hết các cơ sở vật chất, kho tàng, công sở của địch, trong đó có một số cơ sở khoa học kỹ thuật và quân sự quan trọng cùng các cơ quan đầu não, cơ quan đàn áp của ngụy...


H.Y (Theo tài liệu của Công an tỉnh)