Những năm qua, nhờ coi trọng việc củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, Khánh Hòa đã xây dựng "thế trận lòng dân" thực sự vững chắc.
Những năm qua, nhờ coi trọng việc củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, Khánh Hòa đã xây dựng “thế trận lòng dân” thực sự vững chắc.
Đến năm 2015, Khánh Hòa đã “xóa” thôn, tổ dân phố trắng đảng viên và trên 99% (982/990) thôn, tổ dân phố có chi bộ. Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mọi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương đều đạt kết quả cao. Toàn tỉnh hiện có 140/140 xã, phường, thị trấn đạt vững mạnh về quốc phòng an ninh; 95/140 xã, phường, thị trấn đạt vững mạnh toàn diện, không còn xã yếu kém. Đây là nỗ lực rất lớn của các đảng bộ xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, công tác quốc phòng, quân sự địa phương được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương triển khai, xây dựng và củng cố đạt kết quả tốt. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có chi bộ quân sự (hơn 60% chi bộ có cấp ủy); tỷ lệ đảng viên trong dân quân, tự vệ đạt hơn 22,15%, trong lực lượng dự bị động viên đạt hơn 8,53%.
Đi đôi với đào tạo cán bộ, lãnh đạo tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt chính sách xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo; thực hiện “xóa đói, giảm nghèo”; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; tạo sự đồng thuận cao trong đồng bào các dân tộc, đồng bào theo các tôn giáo; củng cố niềm tin của quần chúng vào Đảng, Nhà nước; góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn tỉnh cũng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện giảm sút về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; việc xây dựng hạ tầng cơ sở chậm, nhiều dự án “treo”. Công tác xây dựng Đảng cũng còn có mặt hạn chế, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp. Việc gắn kết phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh chưa tốt... Những hạn chế trên đã tác động không nhỏ tới lòng tin của nhân dân. Do đó sức mạnh của tiềm lực chính trị - tinh thần cũng bị hạn chế.
Trong thời gian tới, lãnh đạo các cấp, ngành, các địa phương cần nhận thức đúng vị trí, vai trò quan trọng chiến lược của “thế trận lòng dân” trong thời kỳ mới. Đồng thời, có các chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, chăm lo nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; kiên quyết đấu tranh khắc phục và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu xa rời nhân dân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng giáo dục quốc phòng - an ninh, kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh ngày càng vững chắc. Ngoài ra, phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; chăm lo bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, tạo mọi điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và xuyên suốt, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của cả hệ thống chính trị; nhằm tạo cơ sở nền tảng, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước, là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn cách mạng mới.
Thượng tá Bùi Xuân Gia
Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh