96 tuổi đời, 68 tuổi đảng, ông Nguyễn Xuân Sơn là một chứng nhân lịch sử và cũng là người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, kiên cường trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
96 tuổi đời, 68 tuổi đảng, ông Nguyễn Xuân Sơn là một chứng nhân lịch sử và cũng là người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, kiên cường trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Ông Nguyễn Xuân Sơn (bìa phải) tại Hội thảo Lịch sử cách mạng xã Vạn Long |
Ông sinh năm 1920 tại thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Tại cuộc hội thảo Lịch sử cách mạng xã Vạn Long diễn ra ngày 27-3-2015, ông là nhân chứng lịch sử duy nhất trực tiếp tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên địa bàn các xã thuộc khu vực Tu Bông. Trong phát biểu của mình về dự thảo cuốn sách, ông nhớ rành rọt từng chi tiết, sự kiện lịch sử xảy ra tại khu vực này.
Ngày 14-8-1945, nhân dân Tu Bông nổi dậy cướp chính quyền. Được sự giác ngộ của ông Tô Văn Ơn, lúc bấy giờ là Ủy viên Mặt trận Việt Minh huyện, ông Sơn cùng một số thanh niên khác tham gia hoạt động cách mạng. Ông được phân công làm cán bộ dân vận hoạt động ở Tu Bông. Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng; năm 1948 được giao làm Phó Bí thư Chi bộ kiêm Chính trị viên Xã đội xã Liên Hiệp Hưng (gồm 5 xã là Vạn Long, Vạn Khánh, Vạn Phước, Vạn Thọ và Đại Lãnh hiện giờ).
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ, ác liệt, Tu Bông là dấu gạch nối giữa hậu phương Phú Yên với Khánh Hòa. Năm 1945, khi mặt trận Nha Trang đang vào thời điểm gay cấn, nhân dân Tu Bông đã đón tiếp hàng chục đội quân Nam tiến vào tiếp sức cho mặt trận, cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men đến từng chiến sĩ. Những mo cơm vắt, nồi cá kho, ấm nước chè xanh, những viên thuốc chữa bệnh... ấm tình nghĩa quân dân. Trong sự đóng góp ấm tình đó có công lao tuyên truyền, vận động của anh cán bộ dân vận Nguyễn Xuân Sơn. Rồi những năm tháng bắt tay vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đơn vị ông cùng quân dân Ninh Hòa, Phú Yên và phối hợp với các lực lượng, tiểu đoàn, đại đội khác làm chậm tiến quân của địch mưu toan đánh nhanh, chiếm nhanh các vùng tự do của ta... Nổi bật là huy động nhân dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm, phục vụ bộ đội Lư Giang(*) đánh trận giao thông chiến đầu tiên của quân đội ta ngày 25-7-1949 tại khu vực đèo Cổ Mã, Quốc lộ 1A, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắn cháy 13 trên tổng số 15 xe, trong đó có một xe thiết giáp, thu nhiều vũ khí đạn dược...
Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ông không tập kết ra Bắc mà ở lại quê hương. Từ năm 1955 đến 1959, ông cùng một số cán bộ khác bị truy lùng gắt gao. Năm 1959, ông được bố trí ra Bắc chữa bệnh, học lớp chính trị cao cấp, gặp Bác Hồ... Năm 1962, ông trở lại quê hương và được giao nhiệm vụ Phó Bí thư Chi bộ phụ trách vùng Tu Bông cùng cán bộ và nhân dân kháng chiến chống Mỹ. Để xây dựng phong trào cách mạng vùng Tu Bông, ông đã lặn lội hết thôn ngày sang làng khác thực hiện chiến thuật đặc công “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân, vừa xây dựng cơ sở cách mạng, phát động quần chúng đứng lên chống Mỹ cứu nước.
Phát hiện sự trở lại của ông, kẻ thù tìm cách o ép, dụ dỗ, de dọa gia đình vận động ông ra đầu hàng; treo giải thưởng cho ai bắt hoặc tiêu diệt được ông. Thế nhưng, ông không hề nao núng mà càng quyết tâm hơn. Năm 1965, ông được giao nhiệm vụ Đội trưởng đội công tác phụ trách địa bàn Tu Bông. Với tinh thần cách mạng, luôn tấn công địch, trong hoàn cảnh nào ông vẫn cùng đồng đội dũng cảm, mưu trí, kiên trì bám dân đánh địch. Đội công tác Tu Bông còn dẫn đường, phối hợp với các đơn vị bộ đội đánh địch chống càn, phục kích tiêu diệt nhiều tên thám báo ác ôn. Tháng 2-1969, ông được bổ sung vào Huyện ủy Vạn Ninh, tiếp tục phụ trách các đội công tác vùng Tu Bông. Tuy Đội công tác đã mấy lần bị địch xóa sổ, nhưng với bản lĩnh kiên cường của người chiến sĩ cách mạng, ông vẫn không hề nao núng, kiên quyết bám địch, bám dân để chiến đấu. Năm 1970, do tình hình sức khỏe nên lần thứ 2 ông được tổ chức cho ra Bắc điều trị đến ngày giải phóng miền Nam. Năm 1975, ông trở về Vạn Ninh và được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy. Sau đó ông nghỉ hưu, sống tại thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ.
Mặc dù nay đã 96 tuổi, ông vẫn không ngừng công việc giáo dục tầng lớp thanh, thiếu niên về tinh thần cách mạng và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền địa phương. Các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Vạn Ninh mỗi lần nhắc đến ông đều rất tự hào và cảm phục một đảng viên kiên cường trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Nguyễn Xuân
-----------------------------
(*): Tên người chỉ huy.