07:04, 02/04/2015

Chiến sĩ Trường Sa - 40 năm sâu nặng nghĩa tình

Cuộc hội ngộ của hơn 50 cựu chiến binh từng tiến công giải phóng và tiếp quản quần đảo Trường Sa 40 năm trước diễn ra vào ngày 30-3 tại TP. Nha Trang đầy ắp tiếng cười hào sảng và những vòng tay siết chặt

Cuộc hội ngộ của hơn 50 cựu chiến binh (CCB) từng tiến công giải phóng và tiếp quản quần đảo Trường Sa 40 năm trước diễn ra vào ngày 30-3 tại TP. Nha Trang đầy ắp tiếng cười hào sảng và những vòng tay siết chặt. Họ vẫn mạnh mẽ như đã từng là những chiến sĩ cưỡi sóng, vượt gió để tấn công địch trong khí thế đại thắng mùa xuân 1975, lần lượt giải phóng các đảo khơi xa thuộc chủ quyền của dân tộc.

 

Các cựu binh từng tham gia giải phóng đảo Song Tử Tây trong phút giây hội ngộ.
Các cựu binh từng tham gia giải phóng đảo Song Tử Tây trong phút giây hội ngộ


40 năm trôi qua, giờ đây, tất cả đều ở độ tuổi trên dưới lục tuần, mái tóc đã điểm bạc, làn da đã nhăn. Nhưng những ân tình với đồng đội, những ký ức không thể xóa nhòa. Ông Đỗ Thanh Liêm (59 tuổi, giảng viên Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định) chia sẻ: “Sau khi tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa, tôi còn phục vụ trong quân đội đến năm 1980 mới xuất ngũ trở về miền Bắc. Cuộc sống dần ổn định nên mỗi năm khi đến ngày hội ngộ, tôi lại khăn gói lên đường để gặp lại đồng đội và có thêm những người bạn cũng cùng chiến đấu ở Trường Sa”.


Được biết, cuộc hội ngộ của các CCB Trường Sa bắt đầu từ năm 1990, từ đó tạo thành nếp cho cuộc hội ngộ vào mỗi năm, được tổ chức khi nơi này, khi tỉnh khác.  Đây là dịp để anh em cùng đơn vị, hoặc chẳng biết gì về nhau, nhưng đều thuộc những mũi tiến công góp phần giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa, cùng ôn lại những ngày tháng gian khổ nhưng hào hùng; chia sẻ, giúp đỡ, động viên nhau trước những khó khăn đời thường. Ông Nguyễn Xuân Thùy - Trưởng Ban liên lạc CCB giải phóng quần đảo Trường Sa, nói: “Sau khi tham gia giải phóng và tiếp quản quần đảo Trường Sa, đội ngũ chúng tôi có người tiếp tục con đường binh nghiệp, còn lại về với đời thường, một số người gắn bó với ruộng đồng hoặc tham gia công tác chính quyền địa phương. Một số anh em trở thành những doanh nhân, góp phần xây dựng Tổ quốc. Chúng tôi gặp nhau mỗi năm chia sẻ nhau rất nhiều, người có điều kiện, thành đạt thì giúp người còn khó khăn”.


Ông Trần Văn Bông, quê tỉnh Hà Nam, giờ đã bước sang tuổi 62, giọng vẫn còn sang sảng kể lại: “Ngày ấy, tôi là chiến sĩ thuộc đơn vị hỏa lực của Quân khu V. Khi tiếp cận và tấn công lên đảo, khoảng ba tiếng đồng hồ là giải phóng được đảo. Quần nhau với địch, ngoài số bị tiêu diệt, chúng tôi bắt sống được 29 tên còn lại. Đến rạng sáng 14-4-1975, đảo Song Tử Tây đã hoàn toàn giải phóng”. Sau thời điểm đó, Bộ Tư lệnh Hải quân tiếp tục điều động một biên đội tàu (673, 675 và 641) cùng Đội 1 của Đoàn đặc công và Tiểu đoàn 471 của Quân khu V ra giải phóng các đảo: Sơn Ca (ngày 25-4), Nam Yết (27-4) Sinh Tồn (28-4), Trường Sa lớn và các đảo còn lại (29-4).


Buổi gặp gỡ các CCB từng tham gia giải phóng và tiếp quản Trường Sa tại thành phố biển Nha Trang nhân dịp tròn 40 năm giải phóng vẫn còn một vài trăn trở. Đó là làm sao để anh em CCB có dịp trở lại huyện đảo Trường Sa, để tận mắt thấy được thành quả của họ và sự chung tay góp sức của Đảng cùng nhân dân cả nước, giúp cho Trường Sa ngày càng vững mạnh như bây giờ. Đó là làm sao tập hợp nhiều nhất những CCB một thời máu lửa, để anh em được sinh hoạt trong một tổ chức quy củ...  


Gặp gỡ rồi chia tay, các CCB cùng bảo nhau cố gắng vươn lên để có cuộc sống sung túc, sống mẫu mực, vì họ không chỉ là nhân chứng sống cho sự kiện giải phóng Trường Sa, mà còn là tấm gương cho con cháu trong gia đình, cũng như nhiều thế hệ trẻ noi theo. Và, họ lại hẹn nhau sẽ gặp lại vào mùa xuân năm tới với nghĩa tình chiến sĩ Trường Sa.


Tiên Minh