11:03, 22/03/2015

Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin

Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của tỉnh đã được đầu tư phát triển mạnh, đặc biệt phục vụ cho việc triển khai các ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, thời gian qua, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) của tỉnh đã được đầu tư phát triển mạnh, đặc biệt phục vụ cho việc triển khai các ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, quản lý chuyên ngành.


Đến nay, Trung tâm dữ liệu tỉnh, hệ thống mạng diện rộng của tỉnh đã được đầu tư nâng cấp hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, đáp ứng cơ bản nhu cầu triển khai các ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và một số ứng dụng phục vụ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực.


Toàn bộ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các văn phòng HĐND, UBND cấp huyện đã có mạng tin học nội bộ (LAN) và kết nối Internet băng rộng với quy mô trung bình từ 1 - 2 máy chủ/mạng. Một số cơ quan, địa phương thuộc lộ trình triển khai ứng dụng mô hình “một cửa điện tử liên thông theo hướng hiện đại” được đầu tư, trang bị bổ sung các trang thiết bị phục vụ triển khai bộ phần mềm một cửa điện tử. Tính đến hết năm 2014, có 63/140 UBND xã, phường, thị trấn được đầu tư hệ thống mạng tin học nội bộ (mô hình không có máy chủ) và trang thiết bị CNTT phục vụ triển khai mô hình “một cửa liên thông theo hướng hiện đại”. Hệ thống hội nghị, giao ban trực tuyến được triển khai xây dựng với 9 điểm cầu, thực hiện kết nối 8 UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ cho việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị trực tuyến giữa UBND tỉnh với UBND cấp huyện. Một số hạ tầng kỹ thuật CNTT triển khai các ứng dụng phục vụ công tác quản lý chuyên ngành, lĩnh vực được phát triển, nâng cấp và duy trì hoạt động ổn định như: y tế, giáo dục, tài nguyên - môi trường, công an, phát thanh - truyền hình… 14 điểm thông tin khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh được trang bị các thiết bị CNTT cơ bản phục vụ cho việc truy cập thông tin trên internet của người dân khu vực nông thôn, miền núi. 2 trường tiểu học thuộc khu vực miền núi, hải đảo được Chương trình “Máy tính cho cuộc sống” hỗ trợ trang bị mỗi đơn vị 4 máy tính phục vụ công tác dạy và học. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập internet công cộng tại Việt Nam”. Kết quả, có 17 thư viện công cộng (từ cấp tỉnh đến cấp xã) và 21 bưu điện văn hóa xã được xây dựng hệ thống mạng LAN có kết nối Internet, được trang bị máy tính, máy in và các thiết bị ngoại vi khác để phục vụ việc truy cập và khai thác thông tin của người dân…


Theo đánh giá, đến hết năm 2014, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT trong các cơ quan nhà nước triển khai hoàn thành dự kiến đạt khoảng 90% so với mục tiêu Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 và khoảng 80% so với Kế hoạch ứng dụng CNTT của địa phương giai đoạn 2011 - 2015. Kết quả trên là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT những năm tiếp theo với mục tiêu: Nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT dùng chung của tỉnh nhằm đáp ứng đủ năng lực điều phối hoạt động cho các ứng dụng tác nghiệp và điều hành của cơ quan nhà nước trên mạng tin học, tuân thủ các giải pháp về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT nội bộ tại các cơ quan nhà nước, đảm bảo cho việc triển khai và khai thác có hiệu quả sản phẩm của các dự án đã và đang được đầu tư…


Ngọc Khánh