Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng khẳng định "Cán bộ chủ chốt cấp ủy đảng phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời"
Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng khẳng định “Cán bộ chủ chốt cấp ủy đảng phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp (ĐTTT) với nhân dân, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời” 1. ĐTTT là một bộ phận nằm trong tổng thể đổi mới cải cách nền hành chính nhà nước, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; góp phần khắc phục quan liêu, xa rời quần chúng. Đồng thời “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước” như Cương lĩnh bổ sung 2011 đã xác định. Thực chất của ĐTTT là tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân “Việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc, và giải thích cho dân chúng” 2.
Trong những năm gần đây, một số cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức ĐTTT, bước đầu đạt được những kết quả nhất định, giải tỏa những bức xúc, thắc mắc, kiến nghị liên quan đến lợi ích của nhân dân. Thông qua những cuộc ĐTTT, cấp ủy, chính quyền và nhân dân hiểu hiểu được nội dung bản chất của vấn đề, cảm thông, chia sẻ với nhau hơn, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội. Tuy nhiên một số địa phương hiệu quả ĐTTT còn hạn chế; nội dung, hình thức đối thoại còn đơn giản, chưa giải quyết tốt những kiến nghị, bức xúc của nhân dân, có một số nơi, số ít cán bộ hứa nhưng không làm; “Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức” 3.
Để nâng cao chất lượng ĐTTT với nhân dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Chuẩn bị kỹ nội dung để đối thoại. Chủ thể ĐTTT phải nắm vững những nội dung, chính sách, chương trình hành động và những vấn đề nổi cộm thúc bách của địa phương để đối thoại với nhân dân. Chẳng hạn những nội dung liên quan đến lợi ích của nhân dân như giải tỏa, đền bù, tái định cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xay dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị, thành phố, thị xã. Liên quan những vấn đề này đòi hỏi chủ thể đối thoại phải nắm vững chính sách, luật pháp, chủ trương của cấp trên, của địa phương để xử lý. Ngoài ra chủ thể ĐTTT cần tiên lượng được những vấn đề người dân sẽ hỏi, chất vấn để chuẩn bị chu đáo. Nên chăng chủ đề nội dung ĐTTT cần xây dựng theo từng chuyên đề; cụm chuyên đề hoặc đề cập tất cả các nội dung mà người dân quan tâm. Tùy theo đặc điểm, tính chất của từng tháng, quý mà xây dựng nội dung, chương trình ĐTTT cho phù hợp.
- Phát huy dân chủ trong đối thọai trực tiếp. Dân chủ là chìa khóa để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Bầu không khí dân chủ, cởi mở, được tôn trọng là biện pháp nâng cao chất lượng ĐTTT, tạo sự tin tưởng từ người dân. Bản chất của ĐTTT là sự tác động qua lại thông tin từ hai phía chủ thể và đối tượng, để đi tới đồng thuận hoặc đồng thuận một phần, một ý nào đó. ĐTTT nhằm phát huy dân chủ, hướng đến đáp ứng những yêu cầu, kiến nghị, lợi ích của người dân nhưng “dân chủ gắn liền với kỷ luật kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”.
- Thông qua đối thoại có biện pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề bức xúc của dân. Lợi ích của ĐTTT đều mang lại cho cả chủ thể và đối tượng đối thoại. Thông qua chất vấn, nêu vấn đề của người dân sẽ giúp cho cấp ủy, chính quyền sáng rõ vấn đề hơn. Từ đó “Phải chú ý giải quyết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân”4 . Phương pháp pháp luận đặt ra cho chủ thể ĐTTT phải phân loại vấn đề để trả lời cũng như có hướng xử lý, giải quyết. Nội dung gì đã rõ, đúng chủ trương, chính sách, chương trình kế hoạch… phải trả lời rõ ràng, công khai, minh bạch, nhất quán; nội dung gì phát sinh thêm, chưa rõ cần có ý kiến của tập thể lãnh đạo thì ghi nhận trả lời sau…
- Coi trọng xây dựng văn hóa đối thoại. Đây là yêu cầu đối với cán bộ, công chức hiện nay nhất là trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Tôn trọng, lắng nghe, cầu thị, ngôn ngữ nhẹ nhàng là phẩm chất không thể thiếu của chủ thể ĐTTT. Thông qua ĐTTT giúp cho chủ thể và đối tượng đối thoại chia sẻ, hiểu nhau hơn, giải tỏa những tâm lý bức xúc, dồn nén từ phía nhân dân. Thực tiễn cho thấy ở đâu thực hiện tốt ĐTTT thì ở đó đơn thư khiếu nại vượt cấp sẽ giảm; an ninh trật tự được ổn định. Trong ĐTTT cần kiên trì, bình tĩnh, không nóng nảy, quy chụp, cắt ngang dễ dẫn tới sự phản ứng từ người dân và dễ đuối lý khi giải trình thuyết phục. Một điểm cần lưu ý phòng tránh là chủ thể đối thoại không “hứa suông” mà lời hứa phải dựa trên những cơ sở có tính khả thi và quyết nghị thông qua của tập thể. Nói, hứa không đi đôi với làm sẽ làm cho dân không tin, thất vọng.
- Định kỳ tổng kết rút kinh nghiệm về đối thoại trực tiếp. Mỗi cuộc ĐTTT đều có những nội dung, sắc thái riêng của nó, do đó, chủ thể phải tổng kết sâu về nội dung, phương thức, phương pháp…chất vấn, đặt câu hỏi, tranh luận, giải trình để rút ra những vấn đề chung nhất, mang tính quy luật để vận dụng ĐTTT cho các lần sau hiệu quả, thiết thực hơn, đáp ứng được nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân. ĐTTT một bộ phận hợp thành của dân vận khéo thì việc gì cũng thành công cần được nhân rộng, với những phương thức, giải pháp hợp lý để nâng cao chất lượng các cuộc ĐTTT trong thời hian tới.
Nguyễn Thế Tư
------------------------------------
1 Nghị quyết Đại hội XI, tr.257.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.5, tr.295.
3 Nghị quyết Đại hội XI, tr.171.
4 Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, t.4, tr.47-48.