Hiện nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang ráo riết đẩy mạnh việc truyền bá các quan điểm sai trái trên mạng Internet. Chúng cho rằng, đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng ta là "thời cơ vàng" để chúng kích động, lôi kéo tập hợp lực lượng đối lập, ....
Hiện nay, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đang ráo riết đẩy mạnh việc truyền bá các quan điểm sai trái trên mạng Internet. Chúng cho rằng, đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng ta là “thời cơ vàng” để chúng kích động, lôi kéo tập hợp lực lượng đối lập, kêu gọi đấu tranh đòi đa nguyên, đa đảng, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, nhằm tạo ra sự bất ổn về chính trị - xã hội, phá rã niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thúc đẩy sự xuất hiện của “các cuộc cách mạng màu” ở Việt Nam.
Có thể nói rằng, chưa bao giờ các thế lực phản động lại tập trung chống phá ta như thời điểm hiện nay. Thể hiện rõ nhất là chúng tung lên mạng một số lượng rất lớn thông tin sai trái, thù địch, tập trung vào những vấn đề “nóng nhất”, “nhạy cảm nhất”, được dư luận quan tâm như: dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; những vấn đề lớn liên quan đến đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Tính chất phản động, mục tiêu chống phá đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng ta, thể hiện rõ ở một số nội dung trọng điểm như: xuyên tạc, phủ định nền tảng tư tưởng của Đảng về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc con đường đi lên CNXH ở nước ta, bôi nhọ nhân sự cấp cao và chia rẽ đoàn kết nội bộ nhằm làm giảm niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng...
Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), hiện nay cả nước có khoảng 20 triệu khách hàng của Google, 25 triệu khách hàng của Yahoo, 4 triệu khách hàng của Facebook và có khoảng 20 nhà cung cấp dịch vụ đăng ký tên miền Việt Nam, trên 100 nhà cung cấp dịch vụ đăng ký miền quốc tế và hơn 25 doanh nghiệp đăng ký cung cấp dịch vụ hosting tại Việt Nam. Với đặc thù của Internet là thông tin gần như tức thời, cho phép mọi người có thể đưa lên mạng bất kỳ thông tin nào, ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Một thực tế cho thấy, tác động xấu từ các quan điểm sai trái trên mạng đối với xã hội hiện nay và trong thời gian tới sẽ là không nhỏ.
Qua khảo sát, có một thực tế rất đáng lo ngại là ý thức cảnh giác, tính tự giác đấu tranh, phê phán các thông tin, quan điểm sai trái trên mạng hiện nay rất hạn chế. Tình trạng bàng quan, thờ ơ trước các thông tin, quan điểm sai trái còn khá phổ biến. Nhiều người vẫn cho rằng, việc đấu tranh bảo vệ chế độ trên lĩnh vực tư tưởng - chính trị bằng công cụ Internet dường như chỉ là công việc của những cơ quan chuyên nghiệp. Việc tham gia đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta, bảo vệ chế độ XHCN chưa trở thành nhu cầu tự nhiên của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Do vậy, chúng ta chưa tạo được “sức đề kháng”, sự cảnh giác, tính chủ động cho số đông độc giả với tư cách là cư dân mạng, khi tiếp cận, đối mặt với các thông tin độc hại và quan điểm sai trái, thù địch trên mạng Internet. Đánh giá về hiệu quả công tác tư tưởng và đấu tranh chống quan điểm sai trái thời gian qua, Nghị quyết Trung ương 5 - Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã chỉ rõ: “Công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, thiếu sức thuyết phục, tính chiến đấu còn hạn chế, chưa sát thực tiễn và chưa linh hoạt; chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, những quan điểm mơ hồ, sai trái... Đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch còn bị động, hiệu quả thấp”.
Để làm tốt công tác đấu tranh có hiệu quả chống quan điểm sai trái trên mạng Internet, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, ổn định niềm tin của nhân dân với nền tảng tư tưởng, với Cương lĩnh, đường lối của Đảng cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau đây:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, giúp mọi người tham gia mạng nhận diện đúng bản chất các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch. Một trong những liệu pháp hữu hiệu nhất là tăng cường công tác tuyên truyền các thông tin chính thống về học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò, đường lối lãnh đạo của Đảng, thành tựu của sự nghiệp đổi mới...; kết hợp với tuyên truyền, nâng cao ý thức, cảnh giác đối với âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; nhằm tạo sức đề kháng, đủ sức “miễn dịch” trước các thông tin, quan điểm sai trái, góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị trên mạng Internet.
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng Internet. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; giữa Trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; đồng thời huy động toàn xã hội, toàn dân tham gia cuộc đấu tranh này; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần tự giác tích cực trong phê phán, đấu tranh chống quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Đổi mới phương thức tuyên truyền, phát huy hết lợi thế của mạng Internet, tăng cường cung cấp kịp thời, đầy đủ những thông tin chính thống, quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước trên các báo điện tử, trang tin điện tử, mạng Internet nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chính trị, nhiệm vụ đấu tranh chống quan điểm sai trái bảo vệ chế độ XHCN. Một khi nhu cầu thông tin được đáp ứng, thì nhu cầu tìm đọc các thông tin không chính thống - thông tin sai trái sẽ hạn chế đi rất nhiều, ngoại trừ những cá nhân do tò mò hay các lý do khác.
Tăng cường trang bị những kiến thức cho mọi người, nhất là thanh niên, sinh viên, học sinh để mọi người nhận rõ các phương thức, thủ đoạn truyền bá các quan điểm sai trái mà các thế lực thù địch thường dùng như: thiết kế nhiều hình thức thông tin đa dạng, hấp dẫn, trong đó thường kết hợp cung cấp thông tin có vẻ khách quan nhằm đánh lừa độc giả, nhưng lại kèm theo các thông tin xuyên tạc, phản động, chống đối, những thông tin về những mặt trái, tiêu cực xã hội, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của ta. Điều đáng nói là các thông tin sai trái thể hiện tinh vi bằng các hình thức nêu chủ đề để thăm dò ý kiến, nhận xét của cá nhân, để lôi kéo, định hướng độc giả đến với các nội dung cần tuyên truyền trên thư điện tử, Facebook, Twitter, YouTube, Google, Yahoo chat, Zalo... Bản chất của loại hình dịch vụ này cho phép người dùng có thể che giấu danh tính thực của mình khỏi sự giám sát của các cơ quan chức năng. Mặt khác, tăng cường lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với hệ thống báo điện tử, website, blog... Sớm khắc phục tình trạng sai tôn chỉ mục đích, đưa quá nhiều mảng tối của đời sống chính trị, tạo “mảnh đất màu mỡ” để địch dễ dàng lợi dụng, khai thác thông tin, nói xấu chế độ ta như đã xảy ra đối với một số báo điện tử, website.
Đấu tranh bác bỏ những luận điệu thù địch, sai trái với quan điểm, đường lối của Đảng, làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, góp phần ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, củng cố sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Quốc Ninh
(Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa)