Năm 2014 đã khép lại với những thành tựu đạt được rất đáng khích lệ, đất nước bước sang năm mới Ất Mùi – 2015 với khí thế, vận hội mới. Nhân dịp này, TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về những dấu ấn nổi bật cũng như những cải tiến, đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Năm 2014 đã khép lại với những thành tựu đạt được rất đáng khích lệ, đất nước bước sang năm mới Ất Mùi – 2015 với khí thế, vận hội mới. Nhân dịp này, TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về những dấu ấn nổi bật cũng như những cải tiến, đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
* Phóng viên: Trước tiên, xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời phỏng vấn TTXVN.
Thưa Chủ tịch Quốc hội, nghị trình sôi động của Quốc hội năm vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri và người dân cả nước về tinh thần làm việc dân chủ, đổi mới; kiên quyết, kịp thời quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, nhưng đất nước ta đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả tích cực. Xin Chủ tịch Quốc hội cho biết những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và yêu cầu nhiệm vụ trong năm 2015?
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Năm 2014 thực sự là một năm sôi động trong hoạt động của Quốc hội. Đây là năm chúng ta thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp. Trong nước, kinh tế phục hồi nhưng chưa ổn định. Năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao. Nhu cầu cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của Việt Nam đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và phát triển của đất nước. Khó khăn, thách thức là rất lớn. Trước tình hình đó, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận sâu sắc tình hình, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, bàn và đưa ra các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm cùng Chính phủ, các ngành, các cấp tháo gỡ khó khăn, với quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2014.
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự phấn đấu nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và của toàn dân, chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi, đà tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, cả năm ước đạt 5,98%, cao hơn hai năm trước và vượt chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội là 5,8%. Tình hình vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định hơn. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính có bước tiến bộ. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố, tăng cường; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả. Các mặt an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, công tác tư pháp, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tham nhũng được tích cực triển khai.
Có thể thấy rằng, trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước, tại diễn đàn Quốc hội, tiếng nói, tâm tư nguyện vọng của cử tri cả nước về nhiều vấn đề bức xúc, về những chủ trương lớn trong xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước… đã được Quốc hội, đại biểu Quốc hội dành nhiều tâm huyết, trí tuệ, thảo luận sâu sắc, đưa ra các giải pháp triển khai quyết liệt, đồng bộ. Những quyết sách của Quốc hội đã kịp thời giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội, góp phần củng cố niềm tin và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Năm 2015 là năm tình hình kinh tế - chính trị thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xung đột khủng bố có thể tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ở khu vực diễn ra quyết liệt; tranh chấp chủ quyền biển đảo vẫn rất phức tạp. Nước ta hội nhập sâu rộng hơn mang lại nhiều cơ hội để phát triển, đồng thời cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Đây cũng là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, việc duy trì ổn định vĩ mô và phục hồi đà tăng trưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Trước bối cảnh đó, Quốc hội đã xác định và yêu cầu thực hiện mục tiêu tổng quát của năm 2015 là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, với sự đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ tận dụng tốt thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới có hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2015, tạo ra thế và lực mới để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong các giai đoạn tiếp theo.
* Phóng viên: Năm 2014 được xác định là năm đầu tiên triển khai thi hành Hiến pháp 2013. Chủ tịch Quốc hội có đánh giá gì về kết quả triển khai thi hành Hiến pháp trong năm vừa qua?
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Chúng ta đều biết việc thông qua Hiến pháp có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng việc đưa Hiến pháp đi vào thực tiễn cuộc sống còn quan trọng hơn nhiều bởi Hiến pháp được thực thi nghiêm túc sẽ tác động toàn diện đến sự phát triển của đất nước, công tác quản lý của Nhà nước và cuộc sống của mỗi người dân. Chính vì vậy, việc triển khai thi hành Hiến pháp 2013 được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 và các năm tiếp theo của cả hệ thống chính trị nhằm bảo đảm các quy định của Hiến pháp được đến với người dân, được tôn trọng, nghiêm chỉnh chấp hành trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đồng bộ cả về kinh tế và chính trị.
Trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, Quốc hội đã tập trung, dành nhiều thời gian cho công tác này và đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, thông qua 29 luật, 18 nghị quyết và cho ý kiến 12 dự án luật khác. Đây là số lượng luật, nghị quyết được xem xét, thông qua trong một năm nhiều nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhiều vấn đề mới hệ trọng trong Hiến pháp được ưu tiên cụ thể hoá bằng pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế kinh tế thị trường, bảo đảm quyền tự do làm ăn, đầu tư, kinh doanh của nhân dân; cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố quốc phòng an ninh... Tuy vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục làm trong năm 2015 và những năm tiếp theo, nhưng những kết quả đạt được vừa qua đã thể hiện rõ quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đưa Hiến pháp vào cuộc sống, hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.
* Phóng viên: Trong năm 2014, công tác giám sát tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới và thu được nhiều kết quả tích cực. Để tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này, theo Chủ tịch Quốc hội cần tiếp tục có giải pháp đổi mới gì trong thời gian tới?
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Năm 2014, cùng với những nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng, hoạt động giám sát của Quốc hội, nhất là giám sát chuyên đề, chất vấn, hoạt động giải trình tiếp tục có những cải tiến theo hướng thiết thực, nâng cao hiệu quả. Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động giám sát tối cao, xem xét thẩm tra các báo cáo, giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, nhằm thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời phát hiện và có các giải pháp điều chỉnh, bổ sung, chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm. Sau giám sát, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về các vấn đề này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan liên quan có những điều chỉnh phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng ban hành, triển khai các chính sách hiệu quả. Điểm mới trong hoạt động giám sát là hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, những bất cập về chính sách, pháp luật được đại biểu Quốc hội, dư luận, cử tri quan tâm, từ đó cùng các Bộ, ngành có liên quan thảo luận, đánh giá thực tiễn triển khai thực hiện chính sách pháp luật, làm rõ nguyên nhân, bàn giải pháp kịp thời khắc phục những hạn chế, giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn.
Hoạt động chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới, cải tiến và hiệu quả, được dư luận cử tri cả nước quan tâm, theo dõi đánh giá cao. Tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, lần đầu tiên Quốc hội nghe báo cáo và chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Nội dung chất vấn hướng tới các vấn đề chiến lược, gắn với sự phát triển trung và dài hạn của đất nước, đồng thời giải quyết những bức xúc trong cuộc sống thực tiễn đặt ra. Các thành viên Chính phủ cùng với các đại biểu Quốc hội đã cùng phân tích, đánh giá đúng thực trạng tình hình, nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm và đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế, giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, tạo chuyển biến tích cực thực sự trên nhiều lĩnh vực.
Thời gian tới, hoạt động giám sát nói chung và chất vấn nói riêng sẽ tiếp tục tập trung vào những bức xúc mà nhiều cử tri và đại biểu quan tâm; đồng thời sẽ tiến hành giám sát lại những vấn đề, lĩnh vực đã giám sát, đã chất vấn để kiểm tra, xem xét về sự chuyển biến trên thực tế, từ đó góp phần làm rõ thêm về nguyên nhân, giải pháp cụ thể và xác định rõ trách nhiệm. Thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm của mình, bám sát thực tiễn, thảo luận, tranh luận công khai minh bạch, cùng các thành viên Chính phủ bàn bạc để giải quyết những công việc lớn của đất nước. Hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội nói chung và thông qua hoạt động chất vấn nói riêng đã có những tác động thiết thực, đề cao trách nhiệm cá nhân trong thực tế, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế trong thực thi pháp luật.
* Phóng viên: Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới IPU-132 sẽ được tổ chức tại Hà Nội - Việt Nam vào tháng 3 năm 2015. Xin Chủ tịch Quốc hội cho biết công tác chuẩn bị cho sự kiện ngoại giao đa phương đã được thực hiện như thế nào?
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Việt Nam được Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới chọn là quốc gia đăng cai tổ chức IPU-132 vào mùa Xuân năm 2015. Đây là sự kiện ngoại giao đa phương cấp nhà nước và cũng là lần đầu tiên một hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương lớn nhất từ trước đến nay do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức. Hiện nay, các công tác chuẩn bị đã và đang được Ban chỉ đạo cấp nhà nước, các Ban, Tiểu ban tích cực triển khai đồng bộ từ nội dung, kịch bản chương trình, mời khách quốc tế cho đến lễ tân, tuyên truyền, hậu cần, an ninh, y tế…
Tôi tin tưởng, với sự chuẩn bị chu đáo của nước chủ nhà Việt Nam, của Quốc hội và sự ủng hộ của đồng bào, cử tri cả nước, Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới IPU-132 với chủ đề Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động, sẽ thành công tốt đẹp, để chúng ta góp tiếng nói vào chương trình nghị sự phát triển bền vững sau năm 2015 của thế giới, đồng thời đánh dấu tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam.
* Phóng viên: Trước thềm Xuân mới Ất Mùi - 2015, Chủ tịch Quốc hội có thể chia sẻ những tâm huyết, mong mỏi của mình với đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể đồng bào, cử tri cả nước?
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XII của Đảng. Đây là thời kỳ mà tình hình thế giới, tình hình khu vực, tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chúng ta vẫn phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức.
Thực tế đó đòi hỏi chúng ta hơn bao giờ hết, phải đoàn kết chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, tiếp tục đổi mới, tận dụng thời cơ và thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiến lên, phát triển nhanh, bền vững. Để làm được điều này, chúng ta phải xây dựng được một môi trường hòa bình, ổn định, một nền kinh tế phát triển bền vững, một nền quốc phòng, an ninh đủ mạnh, một hệ thống pháp luật đầy đủ và hoàn thiện.
Với trọng trách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm của gần 70 năm qua, Quốc hội đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Hiến pháp, pháp luật quy định, đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, xứng đáng với sự mong đợi, tín nhiệm của cử tri và đồng bào cả nước.
Nhân dịp này, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, tôi thân ái gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, tới đồng bào, chiến sỹ và cử tri trên mọi miền đất nước từ biên cương, hải đảo xa xôi đến thành thị và đồng bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Chúc mỗi gia đình đón một mùa xuân mới thật vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn trong năm Ất Mùi.
Tôi chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương đã đồng hành với Quốc hội, thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Quốc hội với cử tri; mong đồng bào, đồng chí, các cơ quan thông tấn, báo chí và cử tri cả nước tiếp tục ủng hộ để Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cử tri đã tin tưởng giao phó.
* Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội! Kính chúc Chủ tịch Quốc hội cùng gia đình một mùa xuân mới an khang, hạnh phúc và thành công!
Theo TTXVN