10:05, 08/05/2014

Việt Nam đã kiềm chế trước những hành động hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc

Hành động của Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là phi pháp.

Hành động của Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam là phi pháp. Đây được coi là động thái mới của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông. Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế trước những hành động hung hăng, ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của các tàu Trung Quốc.

 

Tàu Trung Quốc phun nước với áp lực cao vào tàu Kiểm ngư Việt Nam. (Ảnh: Cục Kiểm ngư)

 
Theo Cục Kiểm ngư Việt Nam, ngày 1-5, các tàu Kiểm ngư đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thanh tra thủy sản trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, phát hiện giàn khoan nước sâu HD-981 và lực lượng bảo vệ của Trung Quốc cơ động từ phía Bắc xuống hạ đặt khoan thăm dò ở phía Nam đảo Tri Tôn 17 hải lý, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


 Trong khi các tàu Kiểm ngư của Việt Nam tiến hành tuyên truyền, ngăn cản, xua đuổi hành vi vi phạm chủ quyền nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Trung Quốc vẫn tiếp tục có nhiều hành động vi phạm, đồng thời tăng cường lực lượng xuống bảo vệ nhằm đạt được mục đích hạ đặt giàn khoan để khoan thăm dò.

 

Tàu Hải Cảnh Trung Quốc chủ động húc đẩy, đâm va với tốc độ cao, với góc tiếp cận lớn vào tàu Kiểm ngư Việt Nam. (Ảnh: Cục Kiểm ngư).


Theo báo cáo của Cục Kiểm ngư: Ngày 2-5, phía Trung Quốc có 27 tàu bảo vệ; ngày 3-5 có 37 tàu bảo vệ; đến 11 giờ ngày 3-5 có 46 tàu bảo vệ; ngày 5-5 có 66 tàu bảo vệ. Tính đến 12 giờ ngày 7-5, Trung Quốc đã huy động, lúc cao nhất 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm: Tàu Hộ vệ Tên lửa 534 và tàu Tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh số hiệu 753; cùng 33 tàu Hải Cảnh, Hải Giám, Ngư chính; và các tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực.


Lực lượng bảo vệ của Trung Quốc đã tiếp cận, có hành động mở bạt pháo đe dọa, uy hiếp các tàu Kiểm ngư đang thực hiện nhiệm vụ trên biển ở khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cụ thể: các tàu Hải Cảnh của phía Trung Quốc chủ động húc đẩy, đâm va với tốc độ cao, với góc tiếp cận lớn, rú còi, chiếu đèn pha, phun nước áp lực cao làm hư hại đến các tàu Kiểm ngư Việt Nam.
Theo thống kê các vụ tàu Trung Quốc đâm va tàu Kiểm ngư của Việt Nam như sau: Từ ngày 2 đến 7-5, Trung Quốc thường xuyên sử dụng từ 2 - 3 tàu kèm 1 tàu Kiểm ngư của Việt Nam để ngăn cản, đâm húc và phun nước áp lực cao, đã làm hư hại 8 tàu Kiểm ngư của Việt Nam đang thực thi pháp luật trên biển, có tàu Kiểm ngư của Việt Nam bị tàu Hải Cảnh của Trung Quốc đâm, húc đẩy nhiều lần (tàu Kiểm ngư của Việt Nam số hiệu 762 bị 9 lần, vào các ngày 2, 3, 4 và 5-5).

 

Tàu Hải cảnh Trung Quốc 46101 phun vòi rồng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam (Ảnh: Cục Kiểm ngư) 


Trong những ngày qua, lực lượng Kiểm ngư của Việt Nam đã thực hiện đúng chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật; Lực lượng Kiểm ngư đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát biển kiên quyết đấu tranh để giữ vững chủ quyền và kiềm chế không để xảy ra xung đột, giữ môi trường hòa bình, ổn định trên biển.

 

Tàu Việt Nam bị đâm rách boong mạn phải. (Ảnh: Cục Kiểm ngư)


Ông Ngô Mai Thịnh, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục bằng mọi biện pháp đấu tranh buộc giàn khoan của Trung Quốc phải rời khỏi vùng biển Việt Nam. Yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.


Theo Báo điện tử Đảng CSVN