Báo Khánh Hòa điện tử trích đăng một số nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri Khánh Hòa của các bộ, ngành về một số vấn đề được nhiều cử tri quan tâm.
L.T.S: Trước và sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIII, qua các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trên địa bàn tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN. Ban Dân nguyện của UBTVQH đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước và có văn bản đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri Khánh Hòa cũng như cử tri cả nước đã được Chính phủ, các bộ, ngành có văn bản trả lời.
Báo Khánh Hòa điện tử trích đăng một số nội dung trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri Khánh Hòa của các bộ, ngành về một số vấn đề được nhiều cử tri quan tâm.
1. Về đề nghị QH xem xét, đánh giá lại hiệu quả, hiệu lực đối với các dự án luật mà QH đã thông qua có tác động như thế nào trong thực tiễn.
Ủy ban Pháp luật của QH trả lời:
Theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Luật Tổ chức QH, QH thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, trong đó có giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH. Hoạt động giám sát tối cao của QH được thực hiện tại các kỳ họp QH và thông qua hoạt động giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH xem xét, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của các văn bản này. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật xin tiếp thu kiến nghị nêu trên để báo cáo QH, UBTVQH chỉ đạo công tác giám sát của các cơ quan của QH trong thời gian tới, trong đó có việc xem xét tính hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện các văn bản pháp luật do QH ban hành; trên cơ sở đó kịp thời sửa đổi những văn bản, quy định không phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
2. Về đề nghị QH cần thành lập ủy ban hoặc một tổ chức soạn thảo luật, không nên giao cho Chính phủ, các bộ, ngành soạn các dự án luật như hiện nay, bởi vì sẽ tạo ra manh mún, không đồng bộ và xảy ra tình trạng “lợi ích ngành, nhóm” trong quá trình soạn thảo các dự án luật. Đề nghị QH nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm và hình thức xử lý người đứng đầu các bộ, ngành nếu ban hành hoặc tham mưu ban hành chính sách, văn bản pháp luật có nhiều “sơ hở” để các đối tượng trục lợi hoặc có biểu hiện vì lợi ích nhóm.
Ủy ban Pháp luật của QH trả lời:
Để tránh hiện tượng cục bộ, lợi ích nhóm trong hoạt động xây dựng luật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản có liên quan đã có những quy định về việc thành lập Ban soạn thảo liên ngành, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan và những đối tượng chịu sự tác động của văn bản, hoạt động thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý và xem xét, thông qua dự án luật. Đồng thời, theo quy định hiện nay, sau khi dự án luật được trình ra QH thì các cơ quan của QH được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án luật trình QH thông qua. Các quy định này của pháp luật cũng đã phần nào khắc phục được những băn khoăn về sự mất khách quan, tính cục bộ, lợi ích nhóm khi giao cho các bộ, ngành soạn thảo dự án luật có liên quan.
Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được QH đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII, dự kiến trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2014) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015). Do đó, Ủy ban Pháp luật xin ghi nhận kiến nghị của cử tri để nghiên cứu hướng khắc phục khi sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
3. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành chức năng xử lý nghiêm các cơ quan, doanh nghiệp không chấp hành Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người lao động.
Bộ Y tế trả lời:
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường tuân thủ pháp luật về BHYT, phòng ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHYT, bảo vệ quyền, lợi ích của các bên liên quan đến BHYT và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHYT, ngày 17-10-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2011 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT, trong đó quy định rõ các mức xử phạt lên tới 30 triệu đồng đối với các cơ quan, doanh nghiệp không chấp hành việc đóng BHYT cho người lao động.
Ngày 18-11-2011, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai thi hành các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tại TP. Huế. Đồng thời, Bộ Y tế đã có Công văn đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành tại địa phương thực hiện một số nội dung liên quan đến công tác: Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Nghị định số 92/2011 ngày 17-10-2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, giải quyết các vướng mắc và xử lý các vi phạm đối với các bên liên quan trong tổ chức thực hiện Luật BHYT.
Thực hiện Nghị định số 92/2011/NĐ-CP, trong năm 2012, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh để thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; thành lập các tổ xử lý, thu nợ, công khai trên phương tiện truyền thông danh sách các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT; tiếp tục khởi kiện các đơn vị trốn đóng, nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT lớn, kéo dài. Đến hết quý I/2013 đã có 41 tỉnh, thành phố tiến hành khởi kiện 345 đơn vị. Các cơ quan thực thi pháp luật đang thụ lý 250 đơn vị, xét xử 50 đơn vị và thi hành án được 45 đơn vị, số tiền thu về được khoảng 31 tỷ đồng.
4. Đề nghị chỉnh trang nâng cấp Quốc lộ (QL) 1A vì diện tích đất lưu không quá lớn gây khó khăn cho người dân về việc xây dựng nhà cửa.
Bộ Giao thông vận tải trả lời:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 14 Nghị định số 11/2010, ngày 24-2-2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ: “Phạm vi đất dành cho đường bộ gồm đất của đường bộ và đất hành lang an toàn đường bộ”.
QL 1A đoạn Hà Nội - Cần Thơ nói chung và đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói riêng được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III - đồng bằng (TCVN 4054-2005) với quy mô Bnền = 20,5m (bao gồm: 4 làn xe cơ giới rộng 4x3,5 = 14m, 2 làn xe hỗn hợp rộng 2x2,0 = 4m, dải phân cách giữa và dải an toàn rộng 1,5m, lề đường hai bên rộng 2x0,5 = 1,0m) tuân thủ đề án mở rộng QL1 đoạn Hà Nội – Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khi thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL 1A trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và cắm mốc lộ giới đường bộ tuân thủ đúng theo quy định tại Nghị định số 11/2010, ngày 24-2-2010 của Chính phủ. Cụ thể:
a. Công tác cắm mốc lộ giới đường bộ: Thực hiện cắm mốc lộ giới đường bộ để xác định phần “đất dành cho đường bộ”, trong đó bao gồm “đất của đường bộ” và “đất hành lang an toàn đường bộ”. Giới hạn phạm vi “đất hành lang an toàn đường bộ” được xác định theo quy định tại Nghị định số 11/2010, ngày 24-2-2010 của Chính phủ (từ Điều 15 đến Điều 21), cụ thể như sau:
- Đối với đoạn ngoài đô thị: Phạm vi hành lang an toàn của đường có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra hai bên là 13m (Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 15, Nghị định số 11/2010, ngày 24-2-2010 của Chính phủ);
- Đối với đoạn qua đô thị: Bề rộng hành lang an toàn được tính từ mép đường đến chỉ giới xây dựng của đường theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 15, Nghị định số 11/2010, ngày 24-2-2010 của Chính phủ). Cụ thể, đối với QL 1A qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, các đoạn qua khu vực đô thị, chỉ giới xây dựng của đường theo quy hoạch UBND tỉnh phê duyệt là 30m.
- Giới hạn hành lang an toàn đối với cầu, cống được xác định theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 11/2010, ngày 24-2-2010 của Chính phủ.
- Giới hạn hành lang an toàn đối với hầm đường bộ được xác định theo quy định tại Điều 17, Nghị định số 11/2010, ngày 24-2-2010 của Chính phủ.
b. Phạm vi GPMB: Do kinh phí hạn hẹp, không đủ để GPMB toàn bộ phần “đất dành cho đường bộ”. Khi thực hiện công tác GPMB các dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL 1A đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án thực hiện như sau:
- Đối với đoạn ngoài đô thị: Thực hiện công tác GPMB toàn bộ phạm vi “đất của đường bộ” (từ chân mái đường đắp hoặc mép ngoài của rãnh dọc tại các vị trí không đào không đắp hoặc mép đỉnh mái đường đào ra mỗi bên 2m theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 14 Nghị định số 11/2010, ngày 24-2-2010 của Chính phủ).
- Đối với đoạn đô thị: Phạm vi GPMB theo chỉ đạo của Bộ GTVT được tính trong phạm vi hai mép ngoài cùng của nền đường. Thực tế tại các đoạn QL 1A qua khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh Khánh Hòa đã sử dụng ngân sách của địa phương để tiếp tục thực hiện công tác GPMB từ mép ngoài cùng của nền đường đến chỉ giới xây dựng của đường theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt (bao gồm cả phạm vi hành lang an toàn đường bộ theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 15, Nghị định số 11/2010, ngày 24-2-2010 của Chính phủ).
Bộ GTVT xin trân trọng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý đối với ngành GTVT của đại biểu Quốc hội và cử tri tỉnh Khánh Hòa nói riêng và trong cả nước để Bộ GTVT hoàn thành tốt nhiệm vụ của ngành.
5. Đề nghị quan tâm, xem xét tăng phụ cấp cho Chủ tịch Hội Người cao tuổi lên tối thiểu bằng mức lương cơ bản; đồng thời có chế độ trợ cấp cho các đối tượng là Phó Chủ tịch, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi.
Bộ Nội vụ trả lời:
Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi ở cấp xã không phải là cán bộ, công chức ở cấp xã. Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 1 Nghị định số 29/2013 ngày 8-4-2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009 ngày 22-10-2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì việc quy định số lượng, chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp của từng chức danh do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
6. Về chế độ phụ cấp cho lực lượng Công an xã: Tại khoản 3, Điều 23 Pháp lệnh Công an xã; khoản 3, Điều 8, Nghị định số 73/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc thực hiện chế độ, chính sách và chi trả tiền lương, phụ cấp cho Công an xã bằng nguồn kinh phí của địa phương. Do vậy, tùy điều kiện thực tế của từng địa phương mà việc thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp đối với phó Công an xã và Công an viên còn thấp so với tính chất đặc thù là lực lượng vũ trang bán chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Mặt khác, hiện vẫn chưa có quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm quản lý, trợ cấp ngày công lao động làm thêm giờ, trợ cấp ngày công lao động vào ban đêm đối với công an viên và lực lượng bảo vệ dân phố. Đề nghị Bộ Công an nghiên cứu và tiếp tục đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an xã để đảm bảo chất lượng, thời gian phục vụ công tác của lực lượng này nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở trong tình hình mới.
Bộ Công an trả lời:
Trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Công an và UBND các cấp rất quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động của lực lượng Công an xã, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực nông thôn. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với Phó Trưởng Công an xã và Công an viên thuộc trách nhiệm của UBND các cấp, được quy định tại khoản 3, Điều 23, Chương IX, Pháp lệnh Công an xã và được quy định nhiệm vụ chi của địa phương tại mục b, khoản 3, Điều 8, Nghị định số 73/2009, ngày 7-9-2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã.
Hiện nay, tùy điều kiện thực tế của từng địa phương, việc thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp đối với Công an xã có sự khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tế; thậm chí có nơi chưa bảo đảm phụ cấp theo quy định, chưa thực hiện việc đóng, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bồi dưỡng làm thêm giờ, trợ cấp ốm đau, tai nạn... cho Phó Trưởng Công an xã và Công an viên.
Bộ Công an xin tiếp thu kiến nghị của cử tri và sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ: Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách đối với Công an xã nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Trước mắt, đề nghị cử tri kiến nghị với UBND tỉnh có kế hoạch bảo đảm kinh phí hoạt động cho Công an xã, nhất là việc thực hiện chế độ lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.