Với công suất lớn và được trang bị những vòi phun nước cực mạnh, các tàu của Trung Quốc đã có tình đẩy các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam xa dần nơi Trung Quốc lắp đặt giàn khoan trái phép.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có mặt nhiều ngày qua trên tàu kiểm ngư tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam cho biết: Các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam, cơ quan chức năng hợp pháp của Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng biển của đất nước mình. Tuy nhiên, các tàu của Trung Quốc đã liên tiếp tổ chức đâm va và phun vòi rồng vào các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam, không cho những tàu này tổ chức tuyên truyền Công ước biển quốc tế đã công nhận chủ quyền biển của Việt Nam.
Với công suất lớn và được trang bị những vòi phun nước cực mạnh, các tàu của Trung Quốc đã có tình đẩy các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam xa dần nơi Trung Quốc lắp đặt giàn khoan trái phép. Liên tiếp hơn 10 ngày qua, mỗi khi tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức tiến gần vào khu vực lắp đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc khoảng 7-8 hải lý liền bị các tàu của Trung Quốc tổ chức đâm va và phun nước. Bình quân cứ mỗi chiếc tàu Kiểm ngư hoặc Cảnh sát biển của Việt Nam tiến vào cách giàn khoan chừng 6-7 hải lý là có khoảng 3-5 chiếc tàu các loại có công suất lớn của Trung Quốc áp sát để thực hiện những hành động bất hợp pháp trên.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc cơ động tìm cách ngăn cản tàu Cảnh sát biển Việt Nam. (Ảnh chụp từ tàu Cảnh sát biển Việt Nam). (Ảnh: Công Định/Hữu Trung/TTXVN) |
Đỉnh điểm vào sáng 12/5, khoảng từ 7 đến 9 giờ, khi các tàu Kiểm ngư Việt Nam tổ chức tiến gần vào giàn khoan trong khoảng cách 6 hải lý, tất cả các tàu Kiểm ngư của Việt Nam đều bị các tàu của Trung Quốc bao vây. Nhưng với quyết tâm bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Việt Nam, các tàu Kiểm ngư vẫn không hề nao núng và thẳng tiến về phía giàn khoan trong sự bao vây rất chặt của các tàu Trung Quốc. Khi các tàu Kiểm ngư Việt Nam cách giàn khoan khoảng 4-5 hải lý thì các tàu Trung Quốc đã áp sát và phun vòi rồng cực mạnh lên các tàu Kiểm ngư Việt Nam. Tàu Kiểm ngư HP 926 là một trong những tàu hiện đại của tàu Kiểm ngư Việt Nam đã bị một lúc 3 tàu lớn của Trung Quốc là 2401, 37102, 32101, 21101 và hai tàu khác yểm trợ phía xa liên tục phun vòi nước cực mạnh lên tàu.
Trong lúc đó người phát thanh của tàu Kiểm ngư HP 926 liên tiếp kêu gọi các tàu Trung Quốc đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế biển trong thêm lục địa Việt Nam cần sớm rời xa vùng biển của Việt Nam và ngừng ngay những hành động khiêu khích trên. Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc càng tỏ ra hung hãn liên tiếp áp sát và phun nước vào tàu Kiểm ngư HP 926. Cùng lúc đó, trên bầu trời xuất hiện máy bay chiến đấu và máy bay lên thẳng của Trung Quốc uy hiếp, buộc tàu Kiểm ngư của Việt Nam phải tìm cách thoát ra khỏi vùng nguy hiểm này. Nghiêm trọng hơn, các tàu Trung Quốc dùng máy phun nước áp suất lớn mục đích phun vào để nhằm phá hoại toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc của tàu và phá vỡ hệ thống cửa kính chịu lực ở khoang chỉ huy tàu hòng phá toàn bộ hệ thống máy móc của tàu, đe dọa đến sự sống còn của tàu và những người đang có mặt trên tàu.
Đây là một trong những hành động hung hãn và liều lĩnh, vi phạm nghiêm trọng Công ước Quốc tế về Luật Biển khi phía Trung Quốc cố tình cắt đứt mọi thông tin liên lạc của một con tàu đang hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Dư luận trong và ngoài nước vô cùng căm phẫn, lên án hành động hung hãn, liều lĩnh và dã man này của các tàu Trung Quốc. Đề nghị các tàu Hải giám, Hải cảnh, Ngư chính của Trung Quốc phải chấm dứt và ngừng ngay những hành động khiêu khích này.
Ông Phan Đình Cát, phụ trách lực lượng Kiểm ngư 4 khẳng định: Chúng tôi vô cùng phẫn nộ trước hành động hung hãn, liều lĩnh và dã man của các tàu Trung Quốc trong việc sử dụng hệ thống phun nước có áp suất lớn để phun vào các tàu Kiểm ngư của Việt Nam đang hoạt động tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động cố tình phá hoại toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, phun nước vào ống khói tàu để tàu bị chết máy, phun cả vào các phao cứu sinh làm hư hỏng toàn bộ các phương tiện cấp cứu người lúc khẩn cấp cần phải được chấm dứt ngay.
Những ngày tiếp theo, cứ khoảng từ 6 giờ 30 đến 9 giờ mỗi ngày, các tàu Kiểm ngư Việt Nam chuẩn bị tiến vào khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép để tuyên truyền và kêu gọi chấm dứt việc làm trái pháp luật của Trung Quốc thì vài chục tàu của Trung Quốc đã dàn hàng ngang không cho bất cứ tàu nào của Việt Nam tiến gần vào vùng Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Mỗi khi một chiếc tàu của Kiểm ngư hay Cảnh sát biển Việt Nam tiến về phía giàn khoan là lập tức có từ 3 đến 5 tàu cỡ lớn áp sát hai bên mạn tàu, phía sau và phía trước mũi để sẵn sàng va chạm và phun nước... Nghiêm trọng hơn, vào lúc 16 giờ 30 ngày 14/5, ở vĩ độ 15 độ 25 phút Bắc, kinh độ 111 độ 20 phút Đông, các tàu Trung Quốc tổ chức khiêu khích các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam, đồng thời trên bầu trời lại xuất hiện máy bay chiến đấu uy hiếp. Tuy nhiên, các tàu Việt Nam đã tổ chức cơ động vòng tránh bảo đảm an toàn.
Ông Vũ Đức Tạo, Biên đội trưởng Biên đội Kiểm ngư 4 cho biết: Những ngày qua, khi lực lượng của chúng ta kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bị xâm phạm, phía Trung Quốc càng bộc lộ rõ hơn về mưu đồ và thủ đoạn của họ bằng cách tăng cường các lực lượng tàu Hải cảnh, Hải giám, tàu kéo hộ, tàu dịch vụ công suất lớn trang bị hiện đại để uy hiếp, trấn áp các lực lượng đấu tranh của ta và đã gây thiệt hại, hỏng hóc tàu của ta và làm một số thuyền viên bị thương. Đối sách của chúng ta hiện nay vẫn thực hiện theo quan điểm chỉ đạo là kiên quyết, kiên trì bám sát thực địa, duy trì các biện pháp tuyên truyền, đấu tranh phản đối tạo áp lực với lực lượng ở giàn khoan; tạo điều kiện đấu tranh ngoại giao buộc phía Trung Quốc phải từ bỏ ý đồ của mình và rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam./.
Theo ĐCSVN/TTXVN