Những ngày này, cùng với người dân cả nước, người dân Khánh Hòa cũng đang đồng lòng hướng về Biển Đông. Cực lực phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, ủng hộ đường lối giải quyết bằng biện pháp hòa bình của Chính phủ Việt Nam, ....
Những ngày này, cùng với người dân cả nước, người dân Khánh Hòa cũng đang đồng lòng hướng về Biển Đông. Cực lực phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, ủng hộ đường lối giải quyết bằng biện pháp hòa bình của Chính phủ Việt Nam, cùng đoàn kết, chung sức giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo… là những suy nghĩ, ý kiến của nhiều bạn đọc.
. Ông Bùi Mau, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa: Trung Quốc đang phá hoại tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước
Những ngày qua, hành động ngang ngược của Trung Quốc khi hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam, các tàu hộ tống của Trung Quốc hung hăng bắn vòi rồng và húc thẳng vào các tàu công vụ và dân sự của Việt Nam đã gây phẫn nộ trong dư luận. Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Khánh Hòa cùng với nhân dân cả nước và trên thế giới kiên quyết phản đối hành động sai trái, hành vi hung hăng của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mỗi khi non sông đất nước gặp nguy biến hay đối mặt với kẻ thù xâm lược thì muôn người như một, đoàn kết một lòng chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trong tình hình này, nhiệm vụ của giới trí thức khoa học và công nghệ Khánh Hòa là cùng nhân dân cả nước làm cho bạn bè quốc tế, nhân dân thế giới thấy rõ âm mưu của Trung Quốc. Chúng ta phải làm cho nhân dân Trung Quốc thấy được những hành động phục vụ mưu đồ chính trị của giới lãnh đạo Trung Quốc đang phá hoại tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dày công vun đắp. Hơn bao giờ hết, giới trí thức Khánh Hòa đoàn kết, phát huy cao nhất khả năng của mình trong nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Trong đó, khoa học công nghệ phát triển kinh tế biển Khánh Hòa là nghĩa vụ hàng đầu trong thời gian tới để cùng nhân dân cả nước đuổi Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam quản lý.
K.N (Ghi)
. Hòa thượng Thích Trí Viên - Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban Hoằng pháp tỉnh, Trụ trì chùa Kỳ Viên: Trung Quốc cần phải tôn trọng luật pháp
Khi nghe thông tin về việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan HD-981 và đưa tàu thuyền xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam, tôi rất lấy làm tiếc vì đó là sai phạm lớn. Giáo lý của Đức Phật luôn hướng tới mục tiêu hòa bình trên toàn thế giới, tiến tới một thế giới không có sự xung đột trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia khác nhau. Tất cả các nước đều phải tôn trọng chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh hải, lãnh thổ của quốc gia khác. Việc làm của Trung Quốc đã để lại một hình ảnh không đẹp về Trung Quốc đối với cộng đồng Phật giáo nói riêng, cũng như cộng đồng trên toàn thế giới nói chung.
Với tư cách là thành phần trong Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi yêu cầu Chính phủ Trung Quốc cần tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích của các quốc gia ven biển theo quy định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải trên Biển Đông và ngay lập tức phải đưa giàn khoan HD-981 và tàu chiến ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đề nghị phía Trung Quốc hãy sớm ngừng mọi hành động sai phạm trên.
V.G (Ghi)
. Tiến sĩ Luật học Nguyễn Đình Thơ - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa: Có thể đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế để giải quyết
Việc Công ty Hải Dương (Trung Quốc) hạ đặt giàn khoan HD 981 với nhiều tàu đi bảo vệ, trong đó có cả tàu quân sự, tại khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (ĐQKT) của Việt Nam rõ ràng đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế về quan hệ giữa các quốc gia, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), vi phạm Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Chúng ta cực lực phản đối hành vi vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan cùng các tàu hộ vệ ra khỏi vùng ĐQKT của Việt Nam.
Hiện nay, chúng ta đang tích cực đấu tranh về mặt ngoại giao ở những cấp độ khác nhau với mong muốn giải quyết vụ việc bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc vẫn không chịu chấm dứt hành vi vi phạm, chúng ta phải đồng thời có những biện pháp mạnh mẽ hơn, trong đó biện pháp pháp lý là có thể đưa vụ việc ra Tòa án quốc tế để giải quyết. Vấn đề là khi đưa ra Tòa án quốc tế sẽ không kiện việc xâm phạm, tranh chấp lãnh thổ mà là việc Trung Quốc cố tình hiểu sai UNCLOS, từ đó đã có hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài quốc tế cũng theo cách này.
Theo UNCLOS, các quốc gia ven biển xác lập đường cơ sở là đường ranh giới phía trong của lãnh hải và phía ngoài của nội thủy, do quốc gia ven biển định ra phù hợp với UNCLOS để làm cơ sở xác định phạm vi của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia. Đó là đường nối liền các điểm thích hợp được lựa chọn tại những điểm ngoài cùng nhất nhô ra biển tại mức nước thủy triều thấp nhất (trung bình nhiều năm). Chiều rộng của vùng ĐQKT không vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Vùng ĐQKT được đặt dưới chế độ pháp lý riêng, theo đó các quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển cũng như các quyền và các quyền tự do của quốc gia khác đều do các quy định thích hợp của Công ước điều chỉnh.
Phía Trung Quốc sau khi ngang nhiên chiếm giữ Hoàng Sa của Việt Nam, đã lấy các bãi cạn ở phía ngoài mà họ coi là của họ làm điểm mốc để từ đó tự vạch ra đường 9 khúc, còn gọi là đường lưỡi bò, trùm lấn cả lên vùng biển của Việt Nam và Philippines. Theo quy định của UNCLOS, việc làm của Trung Quốc là không thể chấp nhận được, nhưng họ vẫn cố tình biện minh việc làm này là phù hợp với quy định của Công ước. Bởi vậy, chúng ta phải làm rõ việc Trung Quốc cố tình hiểu sai UNCLOS để từ đó khẳng định việc làm của họ là sai trái, vi phạm Công ước.
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, những tấm bản đồ, tư liệu cổ... khẳng định Hoàng Sa là của Việt Nam. Trong khi đó, cho đến nay, Trung Quốc chưa đưa ra được bằng chứng lịch sử nào. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có căn cứ pháp lý quan trọng là UNCLOS cho thấy vùng biển mà Công ty Hải Dương (Trung Quốc) đang xâm phạm là thuộc vùng biển của Việt Nam. Thực tế, giàn khoan HD 981 của Trung Quốc đang nằm sâu trong vùng ĐQKT của Việt Nam hơn 80 hải lý.
Hiện chúng ta đang tiếp tục đấu tranh ngoại giao, đồng thời vận động ngư dân kiên trì bám biển, khẳng định chủ quyền quốc gia; các lực lượng chức năng sẵn sàng đối phó nhằm bảo vệ chủ quyền, kiên quyết chống lại hành vi sai trái của phía Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng ta tiếp tục tập hợp các bằng chứng lịch sử, căn cứ pháp lý, tiến hành các hành động pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
N.V (Ghi)
. Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương: Kế thừa phát huy từ phương lược dựng nước, giữ nước của tổ tiên
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 cùng nhiều tàu vào hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam là một hành động ngang ngược, trái với luật pháp quốc tế. Trong những ngày qua, cộng đồng người Việt ở trong nước và nước ngoài, nhiều học giả quốc tế đã lên tiếng phản đối việc làm sai trái này của phía Trung Quốc. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 11-5, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đi thẳng vào vấn đề Biển Đông, bày tỏ thái độ của Việt Nam trước hành động hạ, đặt giàn khoan của Trung Quốc trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Như vậy, điều cần nói về mệnh hệ dân tộc, chúng ta đã nói đúng nơi, đúng lúc…
Trong lịch sử, chúng ta đã từng nhiều lần đánh thắng kẻ thù ngoại xâm đến từ phương Bắc. Tuy nhiên, như lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta nhiều lần tuyên bố, Việt Nam luôn muốn giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình. Chiến tranh thì dễ nhưng để tránh một cuộc chiến có thể tránh được mới là vấn đề cần cân nhắc để giữ vững một Việt Nam hòa bình, ổn định về kinh tế, vững mạnh về quân sự. Đó mới là cái tầm cầm tài, dẫn lược của Đảng, Nhà nước ta đã, đang kế thừa phát huy từ phương lược dựng nước, giữ nước của tổ tiên.
X.T (Ghi)