Chủ tịch UBATGT quốc gia vừa gửi Công điện tới Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ GTVT; Bộ trưởng Bộ Y tế; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ yêu cầu về việc bảo đảm TTATGT, phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện và an toàn trong 2 ngày cuối đợt nghỉ lễ (ngày 3 và 4/5).
Chủ tịch UBATGT quốc gia vừa gửi Công điện tới Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ GTVT; Bộ trưởng Bộ Y tế; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ yêu cầu về việc bảo đảm TTATGT, phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện và an toàn trong 2 ngày cuối đợt nghỉ lễ (ngày 3 và 4/5).
Trong 2 ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 -1/5, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc được duy trì ổn định, an toàn, không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách. Tuy nhiên, trong ngày 2/5, tai nạn giao thông tăng rất cao; toàn quốc đã xảy ra 66 vụ, làm chết 37 người, bị thương 51 người. Nguyên nhân chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông như chạy quá tốc độ, lấn đường, đi mô tô không đội mũ bảo hiểm, chở 3 chở 4 người.
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phục vụ nhân dân đi lại thuận tiện và an toàn trong 2 ngày cuối đợt nghỉ lễ (ngày 3 và 4/5/2014), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia yêu cầu:
1/ Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, triển khai một số biện pháp sau:
- Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố huy động tối đa lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng công an khác (cảnh sát trật tự, công an xã...) đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, nhất là vi phạm tốc độ, lấn đường, xe khách chở quá số người quy định, vi phạm quy định về nồng độ cồn; đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3 chở 4 người; tập trung kiểm tra, xử lý trên các tuyến quốc lộ, đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, các khu du lịch, nhất là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Bố trí đủ lực lượng, phương tiện cứu hộ ứng trực thường xuyên tại các tuyến, địa bàn có nguy cơ ùn tắc giao thông, nhất là tuyến quốc lộ hướng về Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh (như cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, quốc lộ 5, quốc lộ 18; quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 20…).
Khi có tai nạn, sự cố xảy ra, phải kịp thời phát hiện, huy động nhanh nhất lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý, giải tỏa ngay, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài; áp dụng biện pháp điều tiết giao thông từ xa để hạn chế phương tiện đến khu vực xảy ra ùn tắc.
- Tăng cường biện pháp siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi xuất bến, kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé quá quy định, ô tô chở vượt số người quy định. Đồng thời, xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân về tình hình trật tự, an toàn giao thông và hoạt động vận tải khách qua số điện thoại đường dây nóng phục vụ đợt nghỉ lễ.
Yêu cầu các lái xe khách khi xuất bến phải thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng của Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho hành khách biết để phản ánh.
2. Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện tập trung lực lượng khẩn trương cấp cứu, cứu chữa kịp thời những người bị thương do tai nạn giao thông.
Theo chinhphu.vn