04:04, 05/04/2014

Khai mạc Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế

Sáng 5-4, Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế đã khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sáng 5-4, Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế đã khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh.
 

Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế khai mạc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mekong quốc tế khai mạc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc


Các đoàn đại biểu cấp cao 4 nước thành viên, gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và 2 nước đối tác đối thoại Trung Quốc, Myanmar cùng đại diện các đối tác phát triển, quan sát viên tham dự Hội nghị.


Hội nghị cấp cao lần này có ý nghĩa hết quan trọng đối với các quốc gia thành viên Ủy hội và tiến trình hợp tác Mekong thông qua việc đánh giá kết quả thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn năm 2010, thảo luận các cơ hội, thách thức hiện nay và đề ra những định hướng lớn cho sự phát triển của Uỷ hội trong giai đoạn 2016-2020.


Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp định hợp tác Mekong và thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế năm 1995.


Với chủ đề “An ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở lưu vực sông Mekong”, Hội nghị sẽ góp phần vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, nhất là khi chúng ta đang hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2014 với chủ đề: “Nước và Năng lượng”.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, là một thành viên có trách nhiệm đồng thời là nước ở cuối nguồn sông Mekong, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước ven sông đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cả khu vực.


Cùng các thành viên khác của Ủy hội, Việt Nam hoan nghênh nỗ lực hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Trung Quốc và Myanmar- hai nước đối tác đối thoại của Ủy hội, đồng thời đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác phát triển và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật để giúp triển khai các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Ủy hội trong giai đoạn tới.


Để con sông mãi mãi là tài sản chung vô giá của các thế hệ hôm nay và mai sau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng: “Thông qua hợp tác, đối thoại trên tinh thần hợp tác Mekong, chúng ta sẽ góp phần giải quyết hiệu quả các thách thức liên quan đến an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng của nhân dân các nước trong lưu vực sông Mekong về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường”.


Theo chinhphu.vn