Lễ dâng hương bắt đầu từ 7h30' trong tiếng nhạc lễ, tiếng chiêng, tiếng trống vang vọng khắp núi Nghĩa Lĩnh.
Lễ dâng hương bắt đầu từ 7h30' trong tiếng nhạc lễ, tiếng chiêng, tiếng trống vang vọng khắp núi Nghĩa Lĩnh.
Đúng 7h30' phút sáng 9-4 (tức ngày 10-3 âm lịch), tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, thay mặt đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, tỉnh Phú Thọ cùng 4 tỉnh đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam đã trang trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.
Dự Lễ dâng hương có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và các tầng lớp nhân dân.
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng. (ảnh: Dân trí) |
Ðoàn dâng hương khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung, lên đền Thượng. Ði đầu là đội tiêu binh rước cờ Tổ quốc, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ "Ðời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước".
Tiếp đó là các thiếu nữ trong trang phục áo dài truyền thống mang hương, hoa, lễ vật và đội 100 thanh niên, tượng trưng cho trăm người con được sinh từ bọc trăm trứng, tay giương cao cờ hội thể hiện sức sống mãnh liệt của dòng giống Tiên Rồng. Tiếp sau đội nhạc lễ, đội rước kiệu lễ vật là Ðoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, địa phương và nhân dân về Giỗ Tổ.
Ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đọc Chúc văn. (ảnh: Dân trí) |
Tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng chính thức bắt đầu. Trước anh linh các Vua Hùng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Chu Ngọc Anh - chủ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Giáp Ngọ 2014 đã đọc Chúc văn bày tỏ lòng tự hào về truyền thống vẻ vang 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; thành kính tưởng nhớ và biết ơn công đức tổ tiên; kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
“Vĩ đại thay Quốc Tổ, dựng cơ đồ biết mấy công lao. Sáng suốt thay Bác Hồ, truyền hậu thế mọi điều lí lẽ. Chúng con nguyện: dựng giang sơn hùng mạnh phồn vinh, cùng nhân loại hòa bình hữu nghị, sáng muôn đời Hồng Lạc tinh hoa, cao muôn trượng Hùng Vương khí thế” - ông Chu Ngọc Anh đọc.
Ðoàn dâng hương khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung, lên đền Thượng. (ảnh: Dân trí) |
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu và các tầng lớp nhân dân đã dâng hương, hoa, lễ vật, thắp hương tưởng niệm, tri ân các vị Vua Hùng đã có công khai thiên lập quốc; cầu cho quốc thái dân an, bách gia trăm họ bình yên, đất nước thịnh vượng, trường tồn. Sau đó, các đại biểu đã dâng hoa tại bức phù điêu có hình tượng Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ đoàn quân tiên phong.
Phần lễ kết thúc, du khách thập phương lên chật kín đền Thượng và các đền trong Khu di tích thắp nén tâm tưởng nhớ công lao các Vua Hùng có công dựng nước.
Dòng người đổ về Giỗ Tổ đền Hùng (Phú Thọ). (ảnh: Dân trí) |
Bà Hà Thị Lương, dân tộc Tày từ Cao Bằng về Giỗ Tổ chia sẻ: "Năm nay tôi 70 tuổi, năm nào tôi cùng về Giỗ Tổ đền Hùng để thắp một nén hương nhớ đến tổ tiên, cội nguồn. Tôi luôn mong muốn đời sau luôn luôn nhớ đến tổ tiên, cội nguồn về thắp hương, Giỗ Tổ Hùng vương. Vì có Vua Hùng mới có con cháu chúng ta ngày hôm nay, chúng ta phải làm cho giàu có và đây chính là di sản văn hóa của dân tộc".
Sau phần lễ, trong phần hội hôm nay còn diễn ra rất nhiều hoạt động như: Thi nấu bánh chưng, bánh dày; đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân, hát xoan; các giải thể thao quần chúng như vật dân tộc, cờ tướng. Đặc biệt, trong phần hội năm nay có sự tham gia của 4 tỉnh gồm: Bắc Ninh, Quảng Bình, Vĩnh Long và Long An đã mang đến những tiết mục nghệ thuật độc đáo như: Đờn ca tài tử của tỉnh Vĩnh Long và Long An, dân ca quan họ Bắc Ninh, hò khoan Quảng Bình.
Theo VOV