01:03, 04/03/2014

Không để tội phạm lộng hành

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm với mục đích làm giảm các loại tội phạm đang gia tăng; làm giảm số đối tượng bị truy nã...

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm với mục đích làm giảm các loại tội phạm đang gia tăng; làm giảm số đối tượng bị truy nã...


 Chương trình đặt ra mục đích, yêu cầu là thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong Nghị quyết số 63/2013/QH13 về tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm, tập trung nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm về tham nhũng; làm giảm các loại tội phạm đang gia tăng (như: Giết người do mâu thuẫn cá nhân, nhất thời, tội phạm ma túy, tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, sử dụng công nghệ cao, trốn thuế, cho vay lãi nặng…); làm giảm số đối tượng bị truy nã còn ở ngoài xã hội.


Không để tội phạm lộng hành


Chương trình phấn đấu hằng năm, tăng tỷ lệ phát hiện, khám phá các loại tội phạm về kinh tế, chức vụ và tham nhũng (trong đó có tham nhũng trong hoạt động tư pháp), nâng cao hiệu quả việc thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt theo quy định của pháp luật.


Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi phạm tội, tham nhũng, không để xảy ra tình trạng tội phạm lộng hành, các trường hợp bao che tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”; không để hình thành các tụ điểm cờ bạc, ma túy, mại dâm gây bức xúc trong dư luận, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự, nhất là chất lượng công tác quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân, công tác hòa nhập cộng đồng, làm giảm tỷ lệ tái phạm tội.


Xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội


Để thực hiện được những mục tiêu trên, Chương trình yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, tăng cường các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa xã hội; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; chú trọng giáo dục đạo đức trong nhà trường, gia đình, xã hội; tăng cường giáo dục đạo đức công vụ gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.


Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, tập trung phát hiện, triệt phá các tổ chức, băng nhóm tội phạm; truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú; xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt.


Tăng cường công tác xử lý tố giác


Cùng với đó, Chương trình cũng yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm mọi tố giác và tin báo về tội phạm của công dân, cơ quan, tổ chức đều được tiếp nhận và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp khuyến khích và bảo vệ người tố giác tội phạm, tố cáo tham nhũng; xử lý nghiêm các hành vi trả thù người tố giác tội phạm, tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối an ninh, trật tự.


Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, tập trung vào tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm về ma túy, tội phạm về môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; tập trung phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, bảo đảm thời hạn điều tra các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật, nhất là các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng; kịp thời xác minh, truy tìm và thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt; chủ động phối hợp xây dựng Đề án về “Cơ chế, chính sách để đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng, đặc biệt là các tội tham ô, hối lộ”...


Theo chinhphu.vn