12:02, 22/02/2014

Tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội sắp tới

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý báo cáo Quốc hội xin ý kiến tạm dừng việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp giữa năm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý báo cáo Quốc hội xin ý kiến tạm dừng việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp giữa năm.


Tiếp tục phiên họp thứ 25, sáng 21-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn.


Trình bày báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm tại phiên làm việc, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, Ban Công tác đại biểu đề nghị, tiến hành một số công việc chuẩn bị để kỳ họp thứ 7 dự kiến khai mạc vào tháng 5 năm nay Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh được Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. Đồng thời xin ý kiến để sửa đổi bổ sung nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND.


Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm thực hiện theo Nghị quyết 35 của Quốc hội đã được tiến hành và đạt kết quả tích cực, nhân dân đồng tình. Việc tổng hợp phản ánh của đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu, HĐND các cấp cũng đã được tiến hành. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu hoàn thiện thêm.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu để báo cáo Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa Nghị quyết 35 và thấy rằng cần bổ sung sửa đổi một số điều cho phù hợp với thực tiễn trên cơ sở ý kiến góp ý của đại biểu, đoàn đại biểu, HĐND, cử tri; giao Ban Công tác đại biểu chủ trì xây dựng dự án và đưa ra thảo luận vào phiên họp tháng 3-2014.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý báo cáo Quốc hội xin không tiến hành lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp giữa năm, trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết thêm, việc tổng kết, đánh giá và sửa đổi Nghị quyết 35 của Quốc hội ngoài việc quán triệt chủ trương chung còn là để điều chỉnh cho phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.


Về hiệu ứng của việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý tán thành nhiều nội dung Báo cáo của Ban Công tác đại biểu; đồng thời nhấn mạnh, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là việc mới rất quan trọng trên cơ sở Nghị quyết 35 của Quốc hội, đã được tiến hành và nhân dân đánh giá rất cao.


“Nhân dân hy vọng đây là kênh đánh giá cán bộ, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các Bộ, hiệu quả hiệu lực bộ máy Nhà nước. Vì lần đầu nên có vấn đề cần tổng kết, rút kinh nghiệm cũng như đề xuất kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện để phát huy mặt mạnh của công tác này”, ông Phan Trung Lý nêu ý kiến.
Cùng chung ý kiến, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là bước tiến mới, được cử tri đánh giá rất cao về việc làm công khai dân chủ.


Ở khía cạnh khác, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm là một kênh giúp cho công tác nhận xét đánh giá bộ phận cán bộ rất quan trọng.


“Tuy nhiên, một số điểm cũng cần nghiên cứu cho phù hợp như có nên tăng hay giảm đối tượng được lấy phiếu hay không. Theo tôi nên bỏ bớt đối tượng thuộc khối dân cử mà tập trung vào khối hành pháp để thấy rõ sự phản ánh của nhân dân đối với ngành mình, cá nhân mình”, ông Ksor Phước nêu ý kiến.


Theo VOV