Ngày 19-2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Bà Lê Minh Hiền - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa chủ trì.
Ngày 19-2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội. Bà Lê Minh Hiền - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa chủ trì.
Quang cảnh buổi giám sát. |
Giai đoạn 2005-2012, từ nguồn vốn của các chính sách giảm nghèo đã triển khai cho hơn 87.500 lượt hộ nghèo vay hơn 625 tỷ đồng; hỗ trợ đất sản xuất cho 1.260 hộ với tổng diện tích 1.144ha; tổ chức 295 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho 9.127 lượt hộ nghèo; đào tạo nghề cho hơn 8.000 người nghèo với số tiền hỗ trợ hơn 14,3 tỷ đồng; triển khai xây dựng 43 công trình hạ tầng thiết yếu với tổng kinh phí hơn 17 tỷ đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho hơn 1.020.000 lượt người nghèo, hơn 238.400 lượt người cận nghèo và hơn 26.300 người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hơn 282 tỷ đồng; thực hiện miễn giảm học phí cho hơn 66.800 lượt học sinh nghèo, cấp học bổng cho hơn 13.290 lượt học sinh; hỗ trợ nhà ở cho hơn 7.000 hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn hỗ trợ nước sinh hoạt cho hơn 2.300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hỗ trợ tiền điện cho hơn 35.200 lượt hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 12,6 tỷ đồng; trợ cấp khó khăn đột xuất cho hơn 24.900 hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 6,2 tỷ đồng; hỗ trợ tiền tết cho hơn 47.000 hộ nghèo với số tiền hơn 17,5 tỷ đồng…
Từ những chính sách hỗ trợ đó đã góp phần giúp cho hơn 29.900 hộ thoát được nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật giảm nghèo còn tồn tại những hạn chế như: chính sách hỗ trợ cho những hộ cận nghèo chưa nhiều nên nguy cơ rơi xuống hộ nghèo là rất lớn; công tác giám sát, đánh giá giảm nghèo ở một số địa phương chưa được thường xuyên; nhiều hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại, lười lao động, không muốn thoát nghèo để được nhận hỗ trợ của nhà nước…
Tại buổi giám sát, các đại biểu đã tham gia đóng góp một số ý kiến, kiến nghị như: Cần kiến nghị với Trung ương cho 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh được hưởng những chính sách phát triển kinh tế - xã hội giống như các tỉnh Tây Nguyên; cần có cơ chế ràng buộc trong việc tách hộ để chạy chính sách; tăng cường vốn vay đối những mô hình phát triển kinh tế có tiềm năng của người nghèo để họ đầu tư, mở rông quy mô; cần có chế tài đối với những hộ nghèo chây lười lao động, trông chờ, ỷ lại…
Kết luận buổi giám sát, bà Lê Minh Hiền ghi nhận những nỗ lực của các cấp, ngành trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về giảm nghèo trong những năm qua. Đồng thời mong các sở, ngành tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND về các chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; nâng cao năng lực đội ngũ công tác giảm nghèo, đặc biệt là cán bộ cấp xã; lồng ghép chính sách giảm nghèo vào các chương trình, hoạt động hàng năm; thực hiện việc điều tra, ra soát hộ nghèo phải chính sác, công khai, rõ ràng…
VĂN GIANG