09:02, 10/02/2014

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật từ 25-1 đến 8-2-2014

Tổ chức Tết Nguyên đán 2014 vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm; thúc đẩy tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh ngay sau đợt nghỉ Tết; Quy hoạch tổng thể vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế khiếu nại vượt cấp; rà soát, đánh giá thực trạng việc đặt tên các trường đại học; huy động tối đa lực lượng tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm TTATGT... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật từ ngày 25-1 - 8-2.

Tổ chức Tết Nguyên đán 2014 vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm; thúc đẩy tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh ngay sau đợt nghỉ Tết; Quy hoạch tổng thể vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế khiếu nại vượt cấp; rà soát, đánh giá thực trạng việc đặt tên các trường đại học; huy động tối đa lực lượng tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm TTATGT... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật từ ngày 25-1 - 8-2.


Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2014


Tổ chức Tết Nguyên đán 2014 vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm; thúc đẩy tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh ngay sau đợt nghỉ Tết; không được để người dân phải đói, rét trong dịp Tết và giáp hạt... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2014.


Trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo thúc đẩy tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh ngay sau đợt nghỉ Tết; đặc biệt là bố trí tín dụng đối với lĩnh vực khai thác, đánh bắt thủy hải sản để ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động tín dụng đen trong lĩnh vực này.


Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền các địa phương nhân rộng mô hình bình ổn giá trong và sau dịp Tết; hạn chế dần và tiến tới chấm dứt không sử dụng ngân sách Nhà nước để bù lãi suất vay bình ổn giá.


Bộ Y tế tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; chú trọng nâng cao chất lượng hơn nữa trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân...


Người gây ô nhiễm phải trả chi phí khắc phục môi trường


Người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường. Người hưởng lợi từ tài nguyên và môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.


Nguyên tắc trên sẽ được thể chế hóa đầy đủ nhằm đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biển đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đây là một trong những nội dung của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.


Quy hoạch tổng thể vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ


Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.


Mục tiêu Quy hoạch nhằm nâng cao vị thế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước. Là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, địa bàn hội nhập và giao thương của cả nước với khu vực và quốc tế.


Theo định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch theo hướng tập trung phát triển du lịch văn hóa gắn với nền văn minh sông Hồng. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, phát thải thấp và thân thiện với môi trường, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt; phát triển nông nghiệp thâm canh cao nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, từng bước xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao...


Theo phương hướng tổ chức không gian, tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ sẽ hình thành cơ cấu đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh hợp lý nhằm tạo động lực để phát triển các khu vực xung quanh.


Phê duyệt quy hoạch phát triển điện ảnh


Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó ngành Điện ảnh sẽ phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.


Xây dựng 5 đảo Thanh niên


Theo Đề án xây dựng đảo Thanh niên mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì trong giai đoạn 2013-2020 sẽ có 5 đảo được lựa chọn xây dựng thành đảo Thanh niên.


Trong đó, có ba đảo xây dựng mới là Đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh; Đảo Hòn Chuối thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; Đảo Thổ Châu thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Hai đảo tiếp tục đầu tư xây dựng là Đảo Thanh niên Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng; Đảo Thanh niên Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị.


Theo định hướng chung của Đề án, các đảo Thanh niên sẽ được quy hoạch, sắp xếp dân cư trên đảo; xây dựng cơ sở hạ tầng; bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển các ngành nghề, văn hóa, y tế, giáo dục, bảo vệ quốc phòng-an ninh.


Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời


Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ”. Đề án phấn đấu đến năm 2020, 100% thư viện cấp tỉnh, 80% thư viện cấp huyện và 50% thư viện cấp xã tổ chức cung cấp dịch vụ truy nhập Internet miễn phí để người dân được tiếp cận với thông tin, tri thức phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao hiểu biết và các nhu cầu khác.


Đồng thời, số lượt người sử dụng thư viện công cộng hằng năm tăng bình quân 10%; tỷ lệ người dân trên địa bàn sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm hiểu kiến thức nâng cao hiểu biết đạt 10-15% số dân.


Phấn đấu 100% bảo tàng cấp tỉnh ký kết với Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương chương trình phối hợp giáo dục thông qua di sản văn hóa; tổ chức học tập về lịch sử, văn hóa địa phương ngay tại bảo tàng...


Triển khai phương thức quản lý mới với rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển


Theo Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 thì đến năm 2020, các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa sẽ được tiếp cận các phương thức quản lý mới như đồng quản lý, chia sẻ lợi ích.


Đồng thời, kiểm soát được các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trong khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa; bảo tồn và phát triển số lượng các loài quý, hiếm đang suy giảm và bị đe dọa tuyệt chủng; Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học thông qua các chương trình, dự án, nâng cao năng lực quản lý rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa.


Kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước


Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014-2020.


Kế hoạch đề ra 9 nhiệm vụ cần phải thực hiện gồm: 1- Hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng chống có hiệu quả các tác hại của nước do các hoạt động của con người gây ra; 2- Chủ động thích nghi, ứng phó với những diễn biến của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc sử dụng nước ở thượng nguồn các lưu vực sông liên quốc gia; 3- Quy hoạch, kiểm kê, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước; 4- Chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, hạn chế tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; 5- Điều hòa, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm tài nguyên nước và phát triển các mô hình sử dụng nước hiệu quả; 6- Ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước; 7- Mở rộng, tăng cường hiệu quả hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; 8- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng tài nguyên nước; 9- Hoàn thiện bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý tài nguyên nước ở các cấp.


Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế khiếu nại vượt cấp


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cùng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành Thanh tra cần tiếp tục tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật từ cơ sở nhằm hạn chế điểm nóng, khiếu nại vượt cấp.


Huy động tối đa lực lượng tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm TTATGT


Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Trưởng Ban An toàn giao thông các địa phương huy động tối đa lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng công an khác (cảnh sát trật tự, công an xã…) đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe, chạy quá tốc độ, xe khách chở quá số người quy định; đi xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4 người; tăng cường kiểm tra các đường tỉnh, đường huyện…


Tăng cường quản lý vận hành cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc thực hiện các quy định về đầu tư, quản lý, vận hành cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; tổ chức, triển khai công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân kỹ thuật neo đậu tránh trú bão.


Không cho phép hoạt động phương tiện thủy chở khách không an toàn


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan chức năng chỉ đạo rà soát thủ tục pháp lý và kiểm tra tình trạng kỹ thuật, điều kiện an toàn của các phương tiện thủy chở khách trong khu vực TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; kiên quyết không cho phép hoạt động nếu phương tiện thủy chở khách không đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật và điều kiện an toàn.


Quý I/2014, ban hành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp Nhà nước về xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trong quý I/2014 và hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương thực hiện.


Tăng cường kiểm tra chất lượng quần áo, khăn giấy ướt cho trẻ em


Gần đây qua các báo cáo và phản ánh của báo chí, phát hiện quần áo, khăn giấy ướt dành cho trẻ em, cũng như một số sản phẩm đồ chơi, hàng tiêu dùng khác bày bán ở Việt Nam (trong đó đa số mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc) có chứa hóa chất độc hại có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.


Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu các Bộ Công Thương, Y tế, Khoa học và Công nghệ căn cứ Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiến hành kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và thông tin chính thức cho dư luận.


Rà soát, đánh giá thực trạng việc đặt tên các trường đại học


Để thống nhất tên gọi bằng tiếng nước ngoài của các trường đại học, phù hợp với thông lệ quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan rà soát, đánh giá thực trạng việc đặt tên đối với các trường đại học ở trong nước.


Đồng thời đề xuất tên gọi bằng tiếng nước ngoài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trong quý I/2014 trước khi ban hành văn bản chỉ đạo hướng dẫn các trường thống nhất triển khai thực hiện.


Theo chinhphu.vn