Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28-11-2013) đã được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố vào ngày 8-12-2013.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28-11-2013) đã được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố vào ngày 8-12-2013. Hiện nay, việc tuyên truyền nội dung Hiến pháp đang được các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở khẩn trương triển khai. Ông Trần An Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết:
Ngày 1-1-2014, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức có hiệu lực. Bản Hiến pháp mới với 11 chương, 120 điều đã phản ánh được ý chí và nguyện vọng của đại đa số nhân dân Việt Nam, tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước trong thời kỳ mới. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013) chỉnh lý hầu hết các chương, điều, từ kinh tế - xã hội đến văn hóa, giáo dục, trong đó có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến.
Điểm nổi bật của Hiến pháp là đã thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Ngoài vấn đề nâng cao vị thế quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân được xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp, lần này, Hiến pháp còn quy định cụ thể các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước chứ không chỉ thông qua Quốc hội và HĐND như Hiến pháp năm 1992.
Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng mở ra nhiều điểm mới về mô hình chính quyền đô thị, làm cơ sở pháp lý để xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sẽ làm rõ hơn các mô hình như: chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và tổ chức các đặc khu kinh tế hành chính.
- Trong quá trình góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã gửi gắm những tâm huyết để xây dựng một Hiến pháp hợp ý Đảng, lòng dân. Ông có thể cho biết những nỗ lực của địa phương trong việc đóng góp sửa đổi Hiến pháp năm 1992?
- Quán triệt Nghị quyết số 38/2012/QH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TW ngày 28-12-2012 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, HĐND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 04 tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 449 để triển khai kế hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 484 thành lập Tổ giúp việc giúp thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ngày 29-1-2013, HĐND, UBND và UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với thành phần đại diện UBND tỉnh, các sở, ngành, UBMTTQ Việt Nam, cơ quan Tư pháp cấp tỉnh, huyện, xã, một số chuyên gia, nhà khoa học và một số cử tri.
Ngày 1-3-2013, HĐND tỉnh đã tổ chức kỳ họp chuyên đề đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố cũng đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến. Trước đó, từ ngày 14-1-2013, tỉnh đã tổ chức phổ biến nội dung Nghị quyết 38 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và mở các chuyên mục để nhân dân, các nhà khoa học, nhà chuyên môn, quản lý tham gia góp ý kiến trên các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Khánh Hòa).
- Theo ông, để Hiến pháp được tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể cần phải làm gì?
- Việc triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Để việc triển khai thi hành Hiến pháp nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả, cần phải thực hiện tốt một số công việc trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, các ngành, địa phương và tổ chức đoàn thể tổ chức quán triệt và chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm túc thực hiện Kế hoạch tổ chức triển khai Hiến pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ; khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp của cơ quan, tổ chức mình, trong đó xác định rõ các nội dung, hoạt động cụ thể trong lĩnh vực được giao phụ trách, các điều kiện bảo đảm cho việc phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực thi Hiến pháp.
Thứ hai, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức thích hợp và tạo điều kiện thuận lợi để phổ biến sâu rộng các nội dung cơ bản, những điểm mới được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp đến các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang nhân dân; nâng cao nhận thức của nhân dân về Hiến pháp, tôn trọng và chấp hành Hiến pháp, ý thức trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.
Thứ ba, Đảng đoàn HĐND, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… của địa phương cho phù hợp với các quy định mới của Hiến pháp khi luật và các văn bản hướng dẫn có liên quan của Trung ương ban hành để cụ thể hóa những vấn đề được Hiến pháp quy định.
Thứ tư, lãnh đạo, chính quyền các địa phương, đoàn thể các cấp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thi hành Hiến pháp thuộc phạm vi phụ trách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức thi hành Hiến pháp.
- Xin cảm ơn ông!
HOÀNG TRIỀU (Thực hiện)