11:01, 13/01/2014

Khai mạc Phiên họp thứ 24 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Cần quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); hạn chế tối đa việc ngăn cấm người dân cầm một thẻ BHYT mà đến chỗ này thì được khám, đến chỗ khác thì không được khám; không phân biệt bệnh viện công, tư khi khám chữa bệnh…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Cần quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); hạn chế tối đa việc ngăn cấm người dân cầm một thẻ BHYT mà đến chỗ này thì được khám, đến chỗ khác thì không được khám; không phân biệt bệnh viện công, tư khi khám chữa bệnh…


Sáng 13-1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIII đã khai mạc Phiên họp thứ 24. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp.


Cần quy định bắt buộc tham gia BHYT


UBTVQH đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Nội dung được các thành viên UBTVQH tranh luận nhiều nhất là quy định bắt buộc mọi đối tượng phải tham gia BHYT.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nhan Sáng -TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Nhan Sáng -TTXVN

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Theo đó, về quy định bắt buộc tham gia BHYT, một số ý kiến đại biểu nhất trí giữ như quy định của Luật BHYT hiện hành, đó là mọi đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT (không bắt buộc); song cũng có một số ý kiến đề nghị, quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc.


 Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, trong điều kiện hiện nay, rất khó để quy định về chế tài xử lý với người không tham gia BHYT bắt buộc. Vì vậy, thống nhất với việc kế thừa quy định của Luật hiện hành.


Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục nhấn mạnh: Bộ Y tế đề nghị tiếp tục quy định bắt buộc toàn dân phải tham gia BHYT. Bộ trưởng lý giải, để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân thì cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng. Nhà nước đã sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT để thúc đẩy tham gia BHYT xã hội bắt buộc. Nếu không quy định bắt buộc thì sẽ có nhiều nhóm đối tượng, nhất là các đối tượng khỏe mạnh, có thu nhập cao sẽ không tham gia và như vậy, không giải quyết được tình trạng “lựa chọn ngược”, chỉ có người ốm mới tham gia BHYT, gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT, ảnh hưởng đến tính bền vững của BHYT. Đồng thời, kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công BHYT xã hội đều phải quy định bắt buộc tham gia thì mới đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân.


Nhấn mạnh cần sự đột phá trong sửa đổi Luật lần này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị quy định bắt buộc tham gia BHYT.


Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc lại ý nghĩa của BHYT là lấy số đông chia sẻ cho số ít và hiện Quỹ y tế ngày càng ít đi, mà số người khám chữa bệnh thì nhiều; vì vậy, cần quy định bắt buộc tham gia BHYT.


Bổ sung thêm lý lẽ cho rằng, cần quy định bắt buộc tham gia BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói: Toàn dân hưởng thì toàn dân đóng, còn những trường hợp đặc biệt thì có chính sách riêng.


Không đồng tình về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng: Người bệnh có quyền lựa chọn khám ở bệnh viện công hay là tư. Việc bắt buộc đóng BHYT, nhưng ngành Y tế không thể đáp ứng hết các yêu cầu của bệnh nhân được khám tại đúng tuyến bệnh viện mà bệnh nhân yêu cầu, đến khám chỗ khác thì không được giải quyết BHYT. Vậy chưa nên đưa vào Luật nội dung bắt buộc đóng BHYT.


Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Phải thấu hiểu ý nghĩa của bảo hiểm; phải hiểu nguyên tắc nhân đạo “Người khỏe khi khỏe đóng bảo hiểm để giúp đỡ cho người ốm”. Theo nguyên tắc này, ai cũng phải đóng, ai không đóng được thì Nhà nước giúp đóng.


Chủ tịch Quốc hội cho rằng, người dân không "mặn mà" tham gia BHYT có nguyên nhân do quy định cứng nhắc khám trái tuyến; việc phân biệt người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT...


Theo Chủ tịch Quốc hội, muốn khuyến khích người dân tham gia BHYT phải xử lý hàng loạt vấn đề. “Cần hạn chế tối đa việc cấm người dân cầm một thẻ mà đến chỗ này thì được khám, đến chỗ khác thì không được. Phải cải tiến, tránh làm khó cho dân. Không nên phân biệt bệnh viện công và bệnh viện tư” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng lưu ý, ngành Y tế phải nhận thức rõ: Quỹ BHYT là của người khỏe khi ốm, người ốm đi chữa bệnh chứ không phải quỹ khám chữa bệnh của bệnh viện; đồng thời, phải giữ Quỹ BHYT toàn dân, tức là chỉ có một tài khoản, còn ở các địa phương là tiểu khoản.


Đề xuất ngoại lệ cho nữ kết hôn dưới 18 tuổi


Cũng trong pPiên họp sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi). Dự án Luật này đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội. Nội dung "nóng" được các thành viên UBTVQH thảo luận là độ tuổi kết hôn.


Tại Phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đề xuất bổ sung quy định ngoại lệ đối với tập quán kết hôn sớm của một số dân tộc thiểu số. Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi quy định tuổi kết hôn của cả nam lẫn nữ sẽ là 18, nhưng ở một số vùng dân tộc thiểu số, tuổi kết hôn có thể dưới 18.


Báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý đối với dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho hay, về độ tuổi kết hôn, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thống nhất với quy định tuổi kết hôn của cả nam và nữ là “Đủ mười tám tuổi trở lên” để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành về tuổi thành niên, nguyên tắc bình đẳng giới và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.


Với đề nghị bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi được kết hôn, bà Trương Thị Mai cho rằng, thực trạng kết hôn sớm theo tập quán vẫn diễn ra khá phổ biến ở một số vùng, miền dù quy định về độ tuổi kết hôn hiện hành đã được thực hiện ổn định trong thời gian dài. Việc bổ sung quy định ngoại lệ giúp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là trẻ em được sinh ra trong trường hợp này. Nếu bổ sung quy định trường hợp ngoại lệ về tuổi kết hôn của nữ thì điều kiện phải chặt chẽ như giảm tối đa không quá 2 tuổi, được hai bên gia đình công nhận hoặc được sự đồng ý của người giám hộ, đã có con chung.... Trên cơ sở luật định, Chính phủ sẽ hướng dẫn các trường hợp đặc biệt kết hôn từ đủ 16 tuổi. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định ngoại lệ về vấn đề kết hôn sớm. Tuy nhiên, việc bổ sung quy định ngoại lệ sẽ xung đột với pháp luật về quyền trẻ em và có ý kiến cho rằng, cần phải giữ quy định về độ tuổi kết hôn nhằm bảo đảm sự phát triển giống nòi; nam, nữ kết hôn phải có đủ điều kiện về sức khỏe và khả năng xây dựng, chăm lo cuộc sống gia đình.


Cho ý kiến về đề nghị này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Nếu có bổ sung ngoại lệ với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi thì cũng chỉ nên mở trong phạm vi dân tộc ít người chứ không phải chỉ cần cha mẹ đồng ý là được.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Chính phủ cần thống kê danh mục đồng bào dân tộc thiểu số có độ tuổi kết hôn thấp hơn so với quy định.


Theo Báo điện tử ĐCSVN