Ngày 17-1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Ngày 17-1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý (TGPL) ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Các ông Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Hà Hùng Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa. |
Qua 2 năm triển khai Chiến lược (từ năm 2011), vai trò của TGPL ngày càng được phát huy, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Cả nước trung bình có 7-8 trợ giúp viên pháp lý/trung tâm, cao hơn trước khi triển khai Chiến lược (4-5 người/trung tâm). Các tổ chức TGPL đã thực hiện trung bình gần 116.000 vụ việc/năm, tăng 18% so với trung bình năm trước khi có Chiến lược, tuy nhiên, 92% là tư vấn pháp luật, số vụ việc tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng còn ít. Đã có hơn 240.000 người được TGPL trong 2 năm, chủ yếu là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng ở Khánh Hòa, đã TGPL hơn 2.300 vụ việc cho hơn 3.000 đối tượng, tư vấn pháp luật cho gần 2.300 trường hợp khác.
Ông Uông Chu Lưu lưu ý, để chiến lược TGPL thực sự là cầu nối tới người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, cần tiếp tục đưa pháp luật đến với người nghèo; tăng cường tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng; góp phần ổn định an ninh - trật tự ở địa phương, xóa đói - giảm nghèo về pháp luật, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, thực hiện công bằng xã hội.
N.V