Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Phó Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm bệnh viêm dạ dày ruột cấp ở trẻ em tăng cao.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Phó Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm bệnh viêm dạ dày ruột cấp (VDDRC) ở trẻ em tăng cao. Mỗi ngày, Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận hơn chục trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị với triệu chứng ban đầu là sốt, nôn không kiểm soát và sau đó là tiêu chảy.
Bên hành lang Khoa Nhi, chị Minh Hằng ở phường Tân Lập (Nha Trang) kể, con trai chị hơn 1 tuổi. Buổi sáng cháu vẫn đi nhà trẻ bình thường. Buổi chiều chị đón cháu về nhà được một lúc thì cháu bắt đầu nôn và la khóc. Sau khi cháu nôn hết thức ăn, chị sợ con đói nên lại dỗ dành cho bú. Không ngờ vừa bú xong cháu lại nôn tiếp. Nghỉ một lúc thấy có vẻ yên, chị tiếp tục cho con bú, nhưng lần này cháu nôn ngay khi đang bú, sữa phun ra thành vòi khiến chị sợ quá chỉ biết khóc vì thương con. Thấy con la khóc dữ dội, chi nghi cháu đau bụng nên đưa đến bệnh viện. Sau khi siêu âm để loại bỏ tình trạng lồng ruột, bác sĩ chẩn đoán cháu bị VDDRC và cho thuốc uống.
Bác sĩ Huy đang khám bệnh cho trẻ tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, bệnh VDDRC thường xuất hiện nhiều từ nay đến Tết Nguyên đán, đây là bệnh của mùa Đông - Đông Xuân. Bệnh gây ra do một loại virus, nhưng với trẻ dưới 5 tuổi thì nguyên nhân hàng đầu là do Rotavirus nhóm A gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi nhưng nhiều nhất là trẻ từ 2 tháng đến 3 tuổi. Triệu chứng của bệnh: Sau nhiễm Rotavirus khoảng 2 - 3 ngày, trẻ có biểu hiện sốt 38 - 39 độ C, nôn không kiểm soát, sau đó tiêu chảy phân lỏng nước, không nhầy máu. Bệnh sẽ kéo dài khoảng 3 - 8 ngày. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng, mất nước do tình trạng nôn mửa và tiêu chảy kéo dài.
Bác sĩ Huy khuyên khi trẻ mắc bệnh, việc xử trí tại nhà rất quan trọng. Phụ huynh nên bình tĩnh, cho trẻ uống nước ORS chậm từng ít một, uống nhiều lần, đồng thời tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, nếu trẻ bú mẹ thì tăng số lần bú. Khi trẻ có các triệu chứng như: li bì, không uống được, nôn nhiều lần trên 3 giờ, mắt trũng, thóp lõm, uống nước háo hức, khô môi hoặc khóc không có nước mắt… thì nên đưa trẻ đi khám bệnh để được điều trị kịp thời. Đặc biệt, phụ huynh không nên tự ý dùng thuốc chống nôn, chống tiêu chảy, kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Nhi.
Do virus gây bệnh VDDRC lây truyền qua đường phân miệng (virus ra theo phân) nên để phòng tránh bệnh này một cách hiệu quả, theo bác sĩ Huy, phụ huynh cần chú ý giữ gìn vệ sinh cho trẻ. Cách ly trẻ bệnh trong thời gian bị bệnh và 48 giờ sau khi bệnh ổn định. Sử dụng vật dụng cá nhân riêng cho trẻ mắc bệnh. Cho trẻ rửa tay sạch với xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Các vật dụng của trẻ mắc bệnh khi thay ra phải được tiệt trùng. Phụ huynh cũng cần rửa tay sau khi chăm sóc trẻ đang bệnh, đảm bảo vệ sinh đối với khâu chế biến thức ăn và các dụng cụ chế biến thức ăn. Giữ cho phòng trẻ ở thoáng mát, tạo bầu không khí trong lành giúp trẻ mau hồi phục sức khỏe.
Bác sĩ Huy cũng cho biết, hiện nay đã có vắc xin dự phòng Rotavirus được chỉ định cho trẻ dưới 6 tuần tuổi. Dự kiến đầu năm 2011 vắc xin này sẽ có mặt trên thị trường. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng để phòng tránh bệnh VDDRC, đồng thời góp phần đảm bảo cho trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
NGỌC KHÁNH