Những năm qua, bọ cánh cứng hại dừa đã gây thiệt hại nặng cho các vườn dừa trong tỉnh Khánh Hòa, làm cho các vườn dừa xơ xác, giảm năng suất; đồng thời còn làm “nghèo nàn” cảnh quan môi trường của các khu du lịch ở TP. Nha Trang.
Những năm qua, bọ cánh cứng (BCC) hại dừa đã gây thiệt hại nặng cho các vườn dừa trong tỉnh, làm cho các vườn dừa xơ xác, giảm năng suất; đồng thời còn làm “nghèo nàn” cảnh quan môi trường của các khu du lịch ở TP. Nha Trang. Do vậy, việc nhân nuôi thành công bọ đuôi kìm (BĐK), thiên địch của BCC, tiến tới chuyển giao rộng rãi cho nông dân là vấn đề đang được đặt ra.
Cách đây không lâu, trong lúc các cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) phóng thích 1.000 cá thể BĐK tại một công viên trên đường Trần Phú (Nha Trang) bỗng có 2 người đàn ông ở Ninh Hòa đến nài nỉ đề nghị chỉ cách diệt BCC hại dừa. Một trong 2 người đàn ông này cho biết, vườn dừa xiêm của họ có 70 cây, 4 năm tuổi, đang cho quả nhưng BCC phá hoại 2 năm nay làm cho cây dừa xơ xác, năng suất giảm rõ rệt. Ông này đã dùng thuốc BVTV bỏ vào đọt dừa 2 lần/năm nhưng không hiệu quả. Tình cờ, nghe được thông tin trên đài nói về BĐK nên tìm tới…
Phóng thích bọ đuôi kìm tại công viên bờ biển Nha Trang |
Theo kỹ sư Ngọc Khánh, BĐK có 5 loài, trong đó BĐK màu vàng (tên khoa học Chelisoches variegatus) là loài phổ biến nhất ở Khánh Hòa, Chi cục đang tiến hành nhân nuôi BĐK này. Việc nhân nuôi không quá khó khăn, có thể chuyển giao cho nông dân để nhân rộng. Các vật liệu nhân nuôi rất đơn giản, dễ kiếm như: thùng nhựa, thau nhựa, vải voan, nắp đậy, thức ăn và giá thể là lá dừa, con giống… Công việc nhân nuôi bắt đầu bằng việc chuẩn bị dụng cụ và giá thể. Cho vào thùng nuôi BĐK 70 đoạn lá dừa tươi có chiều dài 15 - 20cm dựng nghiêng để làm nơi cư trú và đẻ trứng cho BĐK. Thả 50 cặp con giống BĐK (50 đực và 50 cái) vào thùng. Nuôi BĐK bằng thức ăn dạng viên (loại thức ăn dùng cho mèo), hàng ngày giữ ẩm thùng nuôi, định kỳ thay thức ăn, lá dừa non và bông gòn thấm nước. Sau 2,5 tháng nuôi thì thu hoạch BĐK trưởng thành và ấu trùng rồi tiến hành phóng thích ra tự nhiên (trên cây dừa bị hại).
Đến nay, Chi cục BVTV đã tiến hành nhân nuôi và phóng thích 5 lần, với hơn 9.000 cá thể BĐK ra tự nhiên. Kết quả nhân nuôi BĐK cho thấy, từ 50 cặp, 100 cá thể BĐK ban đầu, sau thời gian 75 ngày thu được 1.513 cá thể mới. Đồng thời, qua điều tra công thức thí nghiệm có phóng thích BĐK cho thấy, tỉ lệ tàu dừa bị hại giảm sau 2 tháng là hơn 20% so với đối chứng (không thả BĐK). Lợi nhuận thu được trong quá trình nhân nuôi so với chi phí ban đầu xấp xỉ 2 triệu đồng. Đó là chưa kể lợi ích đem lại cho năng suất, cảnh quan, môi trường….
Ông Lê Thuận Kha, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết, BĐK là thiên địch của BCC hại dừa. Việc nhân nuôi thành công BĐK mở ra hướng mới cho việc bảo vệ môi trường, cảnh quan, khống chế dịch hại do BCC gây ra. Từ năm 2009, được sự hỗ trợ của Trung tâm BVTV miền Trung, Khánh Hòa đã triển khai việc nhân nuôi BĐK tại Chi cục và các Trạm trực thuộc, bình quân mỗi năm phóng thích 2 đợt. Qua điều tra cho thấy, sau khi phóng thích BĐK tại các vườn dừa, đặc biệt là dọc công viên bờ biển Nha Trang, các vườn dừa bắt đầu xanh trở lại, lá dừa không bị sâu bệnh, tỷ lệ phục hồi cao, không sử dụng các biện pháp hóa học làm hủy hoại môi trường. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục duy trì chương trình này, nhân rộng và chuyển giao việc nhân nuôi BĐK đến nông dân. Bà con có thể tự mình nuôi và phóng thích làm cơ sở bảo vệ vườn dừa của hộ gia đình.
QUANG VIÊN