05:12, 05/12/2010

Nhận biết tiền Việt Nam để giảm rủi ro

Nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro về tiền giả và tổn thất cho các tổ chức, cá nhân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa phát hành tài liệu “Tiền Việt Nam và cách nhận biết” để giới thiệu các đặc điểm bảo an của đồng tiền polymer và hướng dẫn người sử dụng cách kiểm tra, nhận biết tiền thật, tiền giả khi giao dịch tiền mặt. Tài liệu này cũng cảnh báo về thủ đoạn tiêu thụ tiền giả của bọn tội phạm và quy định của pháp luật trong phòng, chống tiền giả, bảo vệ đồng tiền Việt Nam.

Nhằm góp phần giảm thiểu rủi ro về tiền giả và tổn thất cho các tổ chức, cá nhân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa phát hành tài liệu “Tiền Việt Nam và cách nhận biết” để giới thiệu các đặc điểm bảo an của đồng tiền polymer và hướng dẫn người sử dụng cách kiểm tra, nhận biết tiền thật, tiền giả khi giao dịch tiền mặt. Tài liệu này cũng cảnh báo về thủ đoạn tiêu thụ tiền giả của bọn tội phạm và quy định của pháp luật trong phòng, chống tiền giả, bảo vệ đồng tiền Việt Nam.

Theo Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, đến nay, các loại tiền giả polymer có kỹ thuật làm giả chưa cao, dễ dàng kiểm tra bằng tay và mắt thường. Tuy nhiên, tiền giả vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, Chi nhánh đã thu hồi 155 tờ tiền giả, trong đó chủ yếu là loại có mệnh giá 500.000 đồng (9 tờ), 200.000 đồng (25 tờ), 100.000 đồng (68 tờ), 50.000 đồng (30 tờ), 20.000 đồng (2 tờ)… Để phòng ngừa tiền giả, người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và thói quen kiểm tra đồng tiền khi giao dịch. Chi nhánh đã cung cấp 8.000 cuốn tài liệu và 900 tờ áp-phích “Tiền Việt Nam và cách nhận biết” đến 381 điểm thuộc các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh.

Các đặc điểm bảo an cơ bản của tiền polymer gồm: hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị, yếu tố in lõm (nét in nổi), mực đổi màu, hình ẩn nổi, Iriodin (dải màu vàng chạy dọc tờ bạc, lấp lánh ánh kim khi chao nghiêng tờ bạc), cửa sổ lớn có số mệnh giá dập nổi, cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn, mảng chữ siêu nhỏ, mực không màu và số sêri phát quang khi soi dưới đèn cực tím. Mệnh giá đồng tiền khác nhau có thiết kế đặc điểm bảo an khác nhau. Ví dụ, tờ bạc mệnh giá 500.000 đồng có hình hoa sen cách điệu ở cửa sổ lớn, còn tờ 100.000 đồng có hình bút lông trên nghiên mực.

Đặc điểm bảo an của đồng tiền polymer mệnh giá 500.000 đồng.

Để khẳng định một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả, người tiêu dùng cần kiểm tra theo các bước: Soi tờ bạc trước nguồn sáng (kiểm tra hình bóng chìm, dây bảo hiểm, hình định vị); vuốt nhẹ tờ bạc (kiểm tra các yếu tố in lõm); chao nghiêng tờ bạc (kiểm tra mực đổi màu, Iriodin, hình ẩn nổi); kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn); dùng kính lúp, đèn cực tím (kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang)…

Ở tiền giả, hình bóng chìm không tinh xảo. Các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, sắc nét; một số đồng tiền giả không có yếu tố này. Hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau. Khi vuốt nhẹ tờ bạc, ở tiền giả chỉ có cảm giác trơn lì, không nhám, ráp của nét in như ở tiền thật, hoặc có cảm giác gợn tay do vết dập trên nền giấy, không phải do độ nổi của nét in. Khi chao nghiêng tờ bạc sẽ thấy tiền giả không hề đổi màu hoặc có đổi nhưng không đúng màu như tiền thật và Iriodin không lấp lánh như tiền thật.

Ở tiền thật, tại cửa sổ lớn có số mệnh giá dập nổi, còn cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn (DOE). Đây là chi tiết nền nhựa trong suốt ở phía trên bên trái mặt trước tờ tiền. Khi đưa cửa sổ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng đỏ sẽ thấy hình ẩn xung quanh nguồn sáng. Ở tiền giả, cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa sổ lớn không tinh xảo như tiền thật, trong cửa sổ nhỏ trong có yếu tố hình ẩn. Ngoài ra, ở tiền giả không có màng chữ siêu nhỏ hoặc các dòng chữ, số không sắc nét, rất khó đọc, không có mực không màu phát quang hoặc có nhưng phát quang yếu. Số sêri không phát quang hoặc phát quang không giống như ở tiền thật. Một đặc điểm khác cũng cần lưu ý là chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bị bong tróc. Lưu ý phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an (tối thiểu 3 đến 4 yếu tố) để xác định là tiền thật hay tiền giả.

Thủ đoạn của bọn tội phạm là thường dùng tiền giả mệnh giá lớn mua hàng hóa có giá trị nhỏ hoặc đổi lấy tiền mệnh giá nhỏ để có được tiền thật. Hành vi tiêu thụ này thường nhằm vào những người buôn bán nhỏ, người già cả, nhất là ở vùng nông thôn, nơi vắng người để dễ tẩu thoát khi bị phát hiện; hoặc lợi dụng khi người bán đang bận rộn, hay chủ động có các hành vi khiến người bán mất tập trung, thiếu cảnh giác để mua hàng với giá trị lớn bằng tiền giả, trộn lẫn tiền giả với tiền thật…; thủ đoạn này chúng có thể thực hiện ngay cả ở thành thị, nơi đông người.

BÍCH KHUÊ