05:12, 08/12/2010

Diện mạo mới của một đô thị trẻ

Ninh Hòa (Khánh Hòa) là một vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Vùng đất này đã lập nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, cán bộ và nhân dân Ninh Hòa đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Ninh Hòa (Khánh Hòa) là một vùng quê giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Vùng đất này đã lập nhiều thành tích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, cán bộ và nhân dân Ninh Hòa đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Nhờ thế, Ninh Hòa đã có những bước phát triển nhanh chóng và toàn diện, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, bộ mặt đô thị có nhiều thay đổi.

 Cơ sở hạ tầng khang trang

Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát là hình ảnh của thị xã Ninh Hòa hôm nay
Những ngày này, về thăm Ninh Hòa, đi trên những con đường sạch sẽ được nhựa hóa, hai bên là những ngôi nhà cao tầng khang trang được trang trí cờ hoa rực rỡ mừng sự kiện thành lập thị xã Ninh Hòa và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, chúng tôi càng cảm nhận được những thay đổi, vươn lên của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.

Ninh Hòa ngày nay đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên mọi lĩnh vực phát triển KT-XH, từng bước ổn định và nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Đặc biệt, thị xã đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Cùng với những con đường được mở ra, bộ mặt thị xã từ đô thị đến nông thôn đã thay đổi nhanh chóng. Bên ly nước chè xanh thơm nồng, ông Nguyễn Cảnh (70 tuổi), một người dân của thị xã Ninh Hòa tự hào: “Ninh Hòa đang từng giờ, từng ngày khởi sắc với một bộ mặt đô thị hoàn toàn mới; nhất là 10 năm trở lại đây, nhiều tuyến đường giao thông được mở rộng, xây dựng, đi lại thuận tiện, người dân phấn khởi làm ăn, đời sống ngày càng khấm khá. Mong rằng sau khi được nâng lên thị xã, ngoài phát triển công nghiệp, lãnh đạo địa phương sẽ đầu tư phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống cho người làm nông”.

Lãnh đạo thị xã Ninh Hòa đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới do Chủ tịch nước phong tặng.

Hệ thống giao thông ở phường Ninh Hiệp như: đường Nguyễn Huệ, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, đường K10, cầu Dinh 2, đường Bắc Nam… được đầu tư xây dựng kiên cố. Hai bên đường, cùng với những ngôi nhà cao tầng, hàng quán đua nhau mọc lên, dịch vụ thương mại phát triển. Hệ thống chiếu sáng công cộng từng bước được đầu tư, đảm bảo chiếu sáng trên các tuyến đường vào trung tâm thị xã. Ngành vận tải hàng hóa, vận tải khách trong và ngoài thị xã phát triển mạnh. Các phương tiện vận tải từng bước được thay thế và đầu tư trang bị mới, khối lượng vận chuyển hàng hóa, hành khách tăng bình quân hàng năm hơn 18%. Mạng lưới thông tin liên lạc phát triển mạnh ở 27 xã, phường, đạt tỷ lệ 95 máy/100 dân; 100% hộ dân sử dụng điện chiếu sáng, mạng lưới cấp nước sinh hoạt được đầu tư phát triển rộng khắp ở các địa phương, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

 Kinh tế ngày càng phát triển

Quy tụ sức mạnh của truyền thống và hiện đại, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, tỉnh, cùng nội lực trong cán bộ, nhân dân, Ninh Hòa hôm nay đã là một đô thị sầm uất với cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Kinh tế liên tục tăng trưởng, tiềm năng, thế mạnh và các nguồn lực bước đầu phát huy hiệu quả; cơ sở hạ tầng được đầu tư đáng kể, tạo môi trường thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế phát triển. Trên địa bàn thị xã đang xúc tiến nhiều dự án lớn như: Trung tâm nhiệt điện, Trung tâm lọc hóa dầu Nam Vân Phong, Kho xăng dầu ngoại quan, Trạm phân phối xi măng Nghi Sơn…

Ngoài ra, các cơ sở công nghiệp cũng được đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm cho tiêu dùng, xuất khẩu. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 24,5%/năm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 1.478 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN). Nhiều cơ sở có quy mô tương đối lớn như: Nhà máy Đường Ninh Hòa công suất 1.600 tấn/ngày; Nhà máy Thủy điện EaKrongRou; Nhà máy Xi măng Hòn Khói công suất 100.000 tấn; 3 nhà máy gạch Tuynen công suất 70 triệu viên/năm…

Thị xã Ninh Hòa cũng quan tâm đến lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch; đồng thời củng cố và đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, các doanh nghiệp xây dựng, dịch vụ công ích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các đơn vị bảo hiểm, ngân hàng trên địa bàn hoạt động có hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lương thực bình quân hàng năm hơn 95.000 tấn, vượt 15% so với năm 1999; sản lượng đánh bắt hải sản đạt bình quân hơn 8.000 tấn. Trên địa bàn thị xã còn có Chi nhánh Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, Trường Trung cấp Nghề, Bệnh viện Đa khoa thị xã…, từng bước góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dân số tại địa phương.

Cùng với đời sống kinh tế không ngừng được cải thiện, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên. Công tác quản lý giáo dục có chuyển biến tích cực. Nhiều năm liền Ninh Hòa được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và đang triển khai có hiệu quả công tác phổ cập trung học phổ thông. Ngành Y tế từng bước được đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được quan tâm chu đáo; đời sống của các hộ chính sách được bảo đảm…

 Một đô thị trẻ đang vươn lên

Một góc thị xã Ninh Hòa được đầu tư xây dựng khang trang.
Sức sống mới đang đến với Ninh Hòa hôm nay chính là chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ, du lịch - nông nghiệp. Những năm gần đây, KT-XH và cơ sở hạ tầng ở Ninh Hòa có bước phát triển vượt bậc, tạo nên diện mạo của một đô thị trẻ. Hiện thị xã Ninh Hòa có 27 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 7 phường (Ninh Hiệp, Ninh Giang, Ninh Diêm, Ninh Đa, Ninh Thủy, Ninh Hà, Ninh Hải), 20 xã với diện tích đất tự nhiên 119.777ha và 223.558 nhân khẩu. Theo quy hoạch, thị xã Ninh Hòa sẽ là đô thị trung tâm chuyên ngành du lịch, dịch vụ, giáo dục - đào tạo và công nghiệp; trở thành một trong những khu kinh tế - văn hóa - xã hội trọng điểm của tỉnh. Giai đoạn 2011 - 2015, thị xã Ninh Hòa phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hơn 13%; GDP bình quân đầu người đạt 47,5 triệu đồng; giá trị sản xuất ngành dịch vụ, du lịch tăng bình quân 17%; thu ngân sách tăng bình quân trên 22%/năm; tổng sản lượng lương thực 90.000 tấn/năm… Ngoài ra, thị xã còn tập trung đẩy mạnh giải quyết việc làm, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe của nhân dân.

Bên cạnh đó, thị xã đã quy hoạch Khu CN-TTCN với diện tích 1.446ha gồm: Nhà máy Đóng tàu Hyundai Vinashin, Kho Xăng dầu ngoại quan, Khu CN Ninh Thủy, Trung tâm nhiệt điện Vân Phong (3,8 tỷ USD), Tổ hợp lọc hóa dầu Vân Phong (4,5 tỷ USD)… Đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển mạng lưới giao thông đô thị trên cơ sở nâng cấp và cải tạo hệ thống giao thông hiện có; tiếp tục xây dựng và hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án (Kè chống xói lở 2 bờ sông Dinh, các tuyến đường chính theo hướng Đông Tây, đường Bắc Nam, đường 16-7…).

Song song với đó, Ninh Hòa còn chú trọng đầu tư phát triển vùng ngoại thị (20 xã) với tổng diện tích 111.015ha, có địa hình đa dạng, thuận lợi cho sản xuất nhiều loại cây trồng và vật nuôi; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại. Đồng thời hình thành nhiều vùng chuyên canh rau màu, nuôi trồng thủy sản; định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Với những gì đã làm được, Ninh Hòa đã và đang trở thành một trong những đô thị trẻ năng động, hứa hẹn những bước phát triển mới.

CẨM VÂN

Với những thành tích đạt được, cán bộ và nhân dân thị xã Ninh Hòa đã được: Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1980), hạng Nhì (1996), hạng Nhất (năm 2002); năm 2008, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng 2 cờ thi đua xuất sắc; 14 cơ quan, đơn vị và các xã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; 29 cơ quan, đơn vị và xã, phường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen; năm 2010, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới… cùng nhiều bằng khen của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh.