06:11, 24/11/2010

Chú trọng đảm bảo hoạt động và sức sống đô thị

Thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa) vừa được Bộ Xây dựng công nhận đô thị loại IV. Cùng với việc phát triển đô thị cho tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Vạn Giã và các khu vực phụ cận đến năm 2025.

Thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa) vừa được Bộ Xây dựng công nhận đô thị (ĐT) loại IV. Cùng với việc phát triển ĐT cho tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Vạn Giã và các khu vực phụ cận đến năm 2025. Theo sự điều chỉnh này, thị trấn Vạn Giã chú trọng đến các phân khu chức năng sao cho đảm bảo hiệu quả hoạt động và sức sống ĐT.

Khu vực được điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Vạn Giã giai đoạn đến năm 2025 có 2.696,2ha. Thị trấn được xác định là một bộ phận của Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong; trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa và khoa học kỹ thuật của huyện. Vì vậy, việc phát triển không gian ĐT sẽ theo quy hoạch chung của KKT Vân Phong. Trong đó, Vạn Giã sẽ phát triển ĐT về phía Tây của đường sắt Bắc Nam cũ, tiếp giáp với tuyến nắn Quốc lộ 1A mới và một phần theo hướng Bắc. Trục động lực phát triển ĐT chính là trục phát triển kết nối trung tâm Vạn Giã với KKT Vân Phong, khai thác nguồn lực phát triển ĐT dọc theo Quốc lộ 1A hiện nay và là trục chính liên khu đô thị (KĐT) trong tương lai. Trong đó, 2 trục ĐT quan trọng được dự kiến trong tương lai là trục đường sắt cũ và trục đường Nguyễn Huệ; cải tạo tuyến đường sắt cũ thành tuyến trục chính ĐT, kết nối các không gian chức năng trong ĐT.

Theo sự điều chỉnh quy hoạch, từ nay đến năm 2025, thị trấn Vạn Giã sẽ có diện mạo mới.
Quy hoạch sẽ khai thác các đặc điểm hiện hữu để hình thành ranh giới cấu trúc ĐT đặc trưng tại mỗi khu vực. Trong đó: KĐT trung tâm tập trung cải tạo, chỉnh trang tuyến phố ven vịnh Vân Phong và xây dựng khu trung tâm thương mại, quảng trường… tại một số khu vực như: nhà ga Giã cũ, khu đất trống trước chợ và bến xe hiện nay; khuyến khích xây dựng công trình dịch vụ thương mại cao tầng xung quanh khu vực quảng trường làm điểm nhấn chính cho khu vực. KĐT cải tạo phía Nam sông Hiền Lương: sẽ phát huy và hoàn thiện cấu trúc mạng ô cờ dọc Quốc lộ 1A hiện tại (tương lai sẽ là trục chính của ĐT); khuyến khích xây dựng các công trình dịch vụ thương mại phục vụ ĐT dọc trục đường nói trên, tạo tuyến liên kết song song về 2 phía để kết nối các đường theo hướng Đông - Tây, góp phần giảm tải lưu thông trên tuyến, đồng thời tạo không gian bố trí các trung tâm dịch vụ cho khu dân cư; chú trọng tổ chức các không gian xanh, không gian công cộng trong các nhóm nhà ở. Khu nằm giữa sông Hiền Lương và sông Bà Bường: nâng cấp và phát triển thành trung tâm hoạt động, quảng trường văn hóa, vui chơi giải trí của người dân trong ĐT, khai thác cảnh quan ven bờ Nam sông Hiền Lương; tăng cường các tuyến đường giao thông theo hướng Đông - Tây và có hướng mở ra biển, tận dụng tối đa hiệu quả sử dụng đất khu vực ven vịnh; khuyến khích xây dựng công trình theo mô hình nhà vườn sinh thái… Các khu làng xóm sinh thái nông nghiệp: sẽ giữ gìn, phát huy cấu trúc không gian tự nhiên và hình thái các khu ở mật độ thấp hiện nay; đồng thời cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo thêm các điểm sinh hoạt cộng đồng tại trung tâm mỗi cụm làng xóm như: sân chơi, các điểm dịch vụ quy mô nhỏ trong lõi các khu trung tâm, không phá vỡ cảnh quan và cấu trúc truyền thống, đảm bảo bán kính phục vụ… KĐT hiện đại kề cận khu công nghiệp (KCN): Tổ chức thành KĐT mới hiện đại, mật độ cao. Trong tương lai, khi KCN có nhu cầu mở rộng quy mô, ĐT có thể tiếp tục phát triển về phía Bắc và tiếp cận song song KCN. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch cũng chú trọng đến KCN, KĐT dịch vụ du lịch sinh thái, khu sinh thái rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng thủy sản, các khu dự trữ phát triển…

Đối với quy hoạch giao thông: Mạng lưới đường giao thông được tổ chức hợp lý theo tiêu chuẩn đường ĐT và đảm bảo đi lại an toàn, thuận tiện giữa các khu chức năng của ĐT với các tuyến đường hiện có. Mạng lưới đường đảm bảo thuận lợi cho việc bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật ĐT trên tuyến đường; tổ chức các tuyến đường chính theo dạng ô cờ và có tính hướng biển, đảm bảo lưu thông thuận tiện. Các tuyến đường xây dựng mới có quy mô mặt cắt, độ dốc dọc đảm bảo thoát nước mặt nhanh nhất. Mặt khác, quy hoạch cấp nước, điện, hệ thống thoát nước thải và vệ sinh môi trường đều được chú trọng.

Cầu Trần Hưng Đạo được xây dựng đã tạo thuận lợi hơn trong việc đi lại giữa khu dân cư Lương Hải với thị trấn Vạn Giã.
Theo lãnh đạo huyện Vạn Ninh, với quy mô và cơ sở hạ tầng của KĐT nói trên, dự kiến đến năm 2015, dân số ĐT sẽ đạt 63.000 người; đến năm 2025 đạt 80.000 người. Ngoài dân số chính thức sinh sống và làm việc tại KĐT còn có các thành phần dân số khác như: sinh viên nội trú, lực lượng vũ trang, khách vãng lai, lao động đến trong ngày từ các khu vực lân cận… Theo tiến trình phát triển, các thành phần dân số này được dự báo tăng dần cùng với mức độ hoàn thiện của hệ thống giao thông liên ĐT trong vùng và bằng 10 - 15% dân số chính thức của ĐT.

Đến năm 2015, diện tích đất xây dựng ĐT khoảng 672ha (bình quân 106,7m2/người); đến năm 2025: khoảng 1.602ha (bình quân 200,2m2/người). Quỹ đất quy hoạch xây dựng các công trình ĐT được phân thành các loại đất chính như: đất nhóm nhà ở; đất khu trung tâm ĐT; đất cây xanh, quảng trường, công cộng; đất công nghiệp… Trong các loại đất trên, ngoại trừ đối với đất cây xanh công cộng, đất tôn giáo, di tích và đất quốc phòng an ninh, ranh giới giữa các loại đất như: đất nhóm nhà ở, đất trung tâm ĐT và đất tiểu thủ công nghiệp có thể điều chỉnh cho phù hợp nhu cầu thực tế nhưng vẫn đảm bảo không phá vỡ cấu trúc tổng thể của ĐT và tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường…

Lãnh đạo huyện Vạn Ninh cho biết: Phân khu chức năng ĐT sẽ chú trọng đến việc sử dụng hỗn hợp một cách hợp lý để đảm bảo hiệu quả hoạt động và sức sống cho ĐT. Các chức năng sử dụng đất được quy định theo nhóm chức năng để có thể được áp dụng linh hoạt, phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế. Các khu chức năng ĐT có thể bố trí trong mỗi khu dân dụng bao gồm: trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục chuyên nghiệp, nhà ở, cây xanh công cộng.

Như vậy, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Vạn Ninh, việc điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Vạn Giã sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới cho khu vực phía Bắc KKT Vân Phong, từng bước thúc đẩy sự phát triển toàn diện của tỉnh Khánh Hòa.

L.H.T