03:09, 27/09/2010

Nhiều khó khăn trước mắt

Năm học 2010 - 2011, các trường tiểu học Vĩnh Hòa (Nha Trang), Cam Lộc 2 (Cam Ranh) và Thị trấn số 1 (Diên Khánh) được chọn để triển khai dạy thí điểm Chương trình tiếng Anh tiểu học lớp 3 theo đề án của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Năm học 2010 - 2011, các trường tiểu học Vĩnh Hòa (Nha Trang), Cam Lộc 2 (Cam Ranh) và Thị trấn số 1 (Diên Khánh) được chọn để triển khai dạy thí điểm Chương trình tiếng Anh tiểu học lớp 3 theo đề án của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Thiếu giáo viên (GV) và phương tiện dạy học là tình trạng chung của các trường khi triển khai hoạt động này.

Để triển khai đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, Bộ GD-ĐT đã chọn 18 tỉnh, thành phố với 88 trường tiểu học dạy thí điểm Chương trình tiếng Anh tiểu học lớp 3 trong năm học 2010 - 2011. Với chương trình này, mỗi tuần học sinh (HS) được học 4 tiết tiếng Anh, mỗi tiết 35 phút. Những trường được chọn triển khai dạy thí điểm phải đầy đủ trang thiết bị tối thiểu như ti vi, đầu đĩa, máy chiếu… Đối với GV dạy tiếng Anh, yêu cầu trình độ tối thiểu phải là cao đẳng hoặc đại học sư phạm tiếng Anh. Trước khi triển khai chương trình, Bộ GD-ĐT đã kết hợp với một đội ngũ chuyên gia quốc tế tiến hành khảo sát kỹ chất lượng GV, chỉ những GV đủ điều kiện mới được tham gia giảng dạy. Khi thực hiện dạy tiếng Anh là môn học bắt buộc thì phải có một bộ sách giáo khoa theo đúng quy định của Luật GD hiện hành. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã giao Viện Khoa học GD Việt Nam biên soạn tài liệu riêng cho chương trình tiếng Anh thí điểm từ lớp 3 đến 5. Bộ tài liệu này đảm bảo tính liên thông từ lớp 3 đến hết lớp 12 và không phụ thuộc vào bất kỳ tài liệu nào đang lưu hành. Thế nhưng, trên thực tế, khi các trường triển khai dạy thí điểm, Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) lại nói rằng chương trình Let’s Learn (giáo trình tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học) sẽ là tài liệu để phục vụ giảng dạy cho chương trình tiếng Anh thí điểm. Sau thời gian hoàn thành thí điểm tại các trường, sẽ có chương trình thông suốt từ lớp 3 đến 12.

Học sinh trong giờ học môn tiếng Anh.
Từ năm 2005 đến nay, môn tiếng Anh đã được đưa vào giảng dạy trong các trường tiểu học như một môn học tự chọn. Mỗi tuần HS được học 2 tiết tiếng Anh. Với chương trình thí điểm này, từ nay môn tiếng Anh là môn học bắt buộc, mà đã bắt buộc thì phải có chuẩn đầu ra. Cụ thể, HS học hết lớp 3 cần đạt cấp độ A1.1 - dựa theo cấp độ A1 của khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ (CEF). Bởi vậy, GV tham gia dạy thí điểm Chương trình tiếng Anh tiểu học lớp 3 phải đạt trình độ tối thiểu là cao đẳng hoặc đại học sư phạm tiếng Anh. Thế nhưng, hiện nay nhiều trường đang rất khó khăn trong việc định biên GV tiếng Anh. Vì vậy, các trường thường hợp đồng với GV tiếng Anh nên khó thuyết phục họ đi đào tạo trình độ đạt chuẩn. Trong khi đó, tuyển GV từ sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm tiếng Anh cũng khó bởi họ thường tìm việc có thu nhập cao. Ông Nguyễn Đức Khánh - Hiệu phó Trường Tiểu học Thị trấn số 1 (Diên Khánh) cho biết, hiện nhà trường chỉ có 1 GV định biên và 1 GV hợp đồng để dạy môn tiếng Anh. 2 GV này đảm bảo trình độ, yêu cầu để dạy thí điểm Chương trình tiếng Anh tiểu học lớp 3. Thế nhưng, khi dạy thí điểm chương trình này, chỉ riêng GV định biên đã phải dạy 5 lớp 3 (4 tiết/tuần), 1 lớp 4 và 1 lớp 5 (2 tiết/tuần), tổng cộng là 24 tiết/tuần, vượt quy định của ngành (quy định là 23 tiết/tuần), nên khó đảm bảo chất lượng dạy và học. “Công việc nhiều hơn nhưng GV dạy tiếng Anh thí điểm không có chế độ hỗ trợ nào. Nhà trường đang tính hợp đồng thêm GV tiếng Anh nhưng để thu hút GV đạt chuẩn rất khó!” - ông Khánh nói. Được biết, hiện có những trường phải trích từ tiền thu hai buổi một ngày để trả tiền lương cho GV tiếng Anh hợp đồng nên mức thù lao rất ít.

Ở Trường Tiểu học Cam Lộc 2 (Cam Ranh) chỉ có 1 GV định biên dạy thí điểm Chương trình tiếng Anh tiểu học lớp 3 và số tiết dạy cũng vượt quy định của ngành. Cô Đinh Hoàng Anh Thư - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Không chỉ thiếu GV, trường còn khó khăn về cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị giảng dạy. Hiện nhà trường mới chỉ có máy cát-xét, máy chiếu. Còn băng đĩa, tranh ảnh, phòng học dành riêng cho môn tiếng Anh... thì không có”. Đây là khó khăn chung của các trường được chọn dạy thí điểm Chương trình tiếng Anh tiểu học lớp 3. Thiết nghĩ, để chương trình đạt hiệu quả trước khi triển khai chính thức, Bộ GD-ĐT phải có cơ chế hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường, kèm theo đó là cơ chế chính sách cho GV đạt chuẩn để thu hút GV.

Được biết, năm học 2010 - 2011 thí điểm xong thì năm học 2011 - 2012 Bộ GD-ĐT sẽ triển khai chính thức Chương trình tiếng Anh tiểu học lớp 3. Và năm đó, 20% HS lớp 3 trên cả nước sẽ tham gia vào học chính thức. Và khi môn tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc thì các trường tuyệt đối không được thu tiền đóng góp của phụ huynh; không tổ chức thi tuyển hay kiểm tra năng lực dưới bất kỳ hình thức nào để vào học tiếng Anh đối với HS ở các trường.

THU HIỀN