"Hàng rong Tết có gì lạ?", nhiều người đã nói thế về những gánh hàng rong. Đúng, chả lạ, nhưng cái sự quen thuộc đến cũ mèm của người bán hàng rong cuối năm lại báo hiệu năm mới sắp về.
“Hàng rong Tết có gì lạ?”, nhiều người đã nói thế về những gánh hàng rong. Đúng, chả lạ, nhưng cái sự quen thuộc đến cũ mèm của người bán hàng rong cuối năm lại báo hiệu năm mới sắp về.
Xưa, ở quê tôi, cứ gần Tết lại thấy lỉnh kỉnh những gánh, xe hàng rong chất ngất hoa lụa, hoa giấy, chiếu cói, chổi đót; hay lỉnh kỉnh thớt, dao, bình hoa, ông địa, nồi đất nung, chú heo đất mập mạp… Cận Tết, thêm những gánh hàng hoa, gánh trái cây cho mọi người mua thờ cúng tổ tiên, ông bà. Họ rong ruổi khắp thôn cùng xóm nhỏ, thêu dệt sắc màu Tết bằng những chuyến hàng rong, mang đến không khí Tết qua từng món đồ mới. “Ai nồi đất không... ông…”, “Ai chiếu đê... ê…”, những tiếng rao bền bỉ từ đường huyện tới đường thôn, giữa trưa nắng hay chiều tà, ngân nga như bài ca mùa xuân của người lao động. Bấy nhiêu thôi, cũng đủ khiến lũ trẻ chúng tôi mê mẩn chạy theo suốt đường làng. Chúng tôi mê, vì biết sắp đến mùa Tết tưng bừng, mùa tổng kết năm dài đã qua và năm mới sắp đến với bao ước vọng. Mẹ tôi bảo, chưa thấy người bán hàng rong Tết là chưa thấy Tết. Chính họ mang tin Tết đến từng nhà. Họ gắng gỏi vắt sức ở năm cùng tháng tận để kiếm thêm tiền chăm lo cho người thân. Tuổi thơ tôi gọi họ là những người báo tin Tết.
Biết bao lần, tuổi thơ tôi cảm nhận được mùi của những người báo tin Tết. Ấy là khi mẹ kêu bà cụ vác chổi đót dừng lại trước nhà để mua cây chổi mới. Mẹ bảo, ông Táo về trời, quét dọn bếp bằng chổi mới sẽ may mắn cả năm. Ấy là khi mẹ chiều tôi, kêu ông cụ chở sọt đầy những chú heo đất nung tròn căng, béo ú dừng lại, mua một con, để chúng tôi chuẩn bị đựng tiền lì xì đầu năm. Đó là cái mùi khen khét, nồng nồng rất đặc trưng của những người dãi nắng cả ngày, cái mùi mồ hôi chất chứa biết bao tảo tần.
Người báo tin Tết dường như lúc nào cũng nghèo. Hình như họ đều là người nông thôn, tranh thủ bán thêm dịp Tết, hoặc là dân ngụ cư mưu sinh chốn thị thành. Hàng hóa họ bán chủ yếu là những sản phẩm thủ công, vừa với túi tiền dân lao động. Nhưng chẳng sao, tuổi thơ tôi vẫn thấy chúng đẹp biết bao. Chú heo đất đỏ au, con búp bê bằng gốm trắng có chiếc váy đỏ là ao ước của bao đứa trẻ thời đó. Nồi đất mới kho cá tộ, hay bếp lò để nướng cá, thịt thơm lừng 3 ngày Tết… đủ sức quyến luyến những cái miệng đang tuổi ăn tuổi lớn. Tôi lớn lên với ký ức khó quên về những người báo tin Tết. Những món hàng của người báo tin Tết cũng trở thành chút sẻ chia cho chính họ. Bà cụ gần nhà tôi thì thào, cô bán heo đất có một đứa con bị bệnh gì đó, cần nhiều tiền chữa trị mà chưa có nên vẫn nghỉ học. Cô ấy, ngày bán hàng rong, tối về lại lo chăm con, cực lắm. Mấy người lớn cũng xầm xì nhỏ to mỗi lần cô đạp chiếc xe cọc cạch với 2 cái sọt to đùng đầy heo đất đi qua. Rồi không ai bảo ai, mọi người đều mua giùm cô con heo đất, có người còn mua hẳn một đôi và giả bộ than thở, phải mua phòng lũ trẻ con nghịch ngợm phá hỏng. Riêng tôi, cứ ước ao mọi người mua hết luôn chỗ hàng cho cô, để cô khỏi phải đẩy chiếc xe đạp cà tàng đi lòng vòng khắp ngõ hẻm, để cô chóng có đủ tiền chữa bệnh cho con, để con cô lại được đi học, để cô khỏi phải héo quay héo quắt cả ngày với lời rao thao thiết…
Ngày nay, hàng Tết phong phú lắm. Hoa Tết không chỉ có cúc, mai, mà còn có cả lan, đào và nhiều loài hoa nhập ngoại. Trái cây cũng đủ cả Bắc, Nam, từ thanh long, mãng cầu, dưa hấu, đến phật thủ, sung… Người báo tin Tết thường đi những chiếc xe máy tàng tàng, xưa cũ. Các bác nông dân thì chở Tết xuống phố bằng những chuyến ô tô ngập tràn hoa cúc, hoa mai vàng tươi trong nắng. Nhưng hàng Tết muôn đời vẫn không thiếu chai lọ, bình bông, bình nhang, ông địa, chú heo, cây chổi, bếp lò, giỏ hoa, chiếu cói… Chính người báo tin Tết cho tôi thấy trách nhiệm với gia đình, người thân. Chính họ dạy tôi quý trọng đồng tiền làm ra bằng mồ hôi.
Nhưng quan trọng hơn, những người báo tin Tết cho tôi cảm giác về một cuộc sống đôi khi nhọc nhằn nhưng vẫn ngập tràn tình thương yêu. Họ đã cho tôi cảm nhận về năm mới, mùa xuân mới không đơn thuần nằm ở vẻ đẹp lộng lẫy phù hoa đô thị. Thành phố có thể hiện đại hơn, giàu có hơn, nhưng những người báo tin Tết sẽ chẳng bao giờ cũ cùng năm mới.
TIỂU MAI