11:02, 19/02/2018

Hình ảnh con chó trong đời sống dân gian người Việt

Chó là con vật sống gần gũi nhất với con người trong đời sống hàng ngày từ thời cổ xưa, nên ngoài chức năng giữ nhà, chó còn giúp người "lạc đường nắm đuôi chó" cũng như khi "lạc ngõ nắm đuôi trâu". Chó cũng phát huy sức mạnh khi xông pha trận mạc như "khuyển quân" của Lê Xí giúp Lê Lợi đánh quân Minh.

Chó là con vật sống gần gũi nhất với con người trong đời sống hàng ngày từ thời cổ xưa, nên ngoài chức năng giữ nhà, chó còn giúp người “lạc đường nắm đuôi chó” cũng như khi “lạc ngõ nắm đuôi trâu”. Chó cũng phát huy sức mạnh khi xông pha trận mạc như “khuyển quân” của Lê Xí giúp Lê Lợi đánh quân Minh. Chó cũng giúp được lực lượng an ninh truy tầm thủ phạm, khám phá tang vật, ma túy, hàng hóa buôn lậu, trinh sát, dò mìn… Chó còn làm được nhiều chuyện nữa: kéo xe trượt tuyết, làm xiếc, đóng phim, tổ chức đua chó, thi chó đẹp chó xấu… và chó cũng đã từng đưa lên không gian để thí nghiệm như chó Laika… Có người nuôi chó để làm cảnh, tiêu khiển, lại có người nuôi chó làm kế sinh nhai, “đưa chó lên… bàn nhậu bảy món”. Hình ảnh con chó đã đi vào các loại hình văn học nghệ thuật như: thơ, truyện, hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, điện ảnh, nhất là trong các thể loại văn học dân gian.


Trong “Lục súc tranh công”, một tác phẩm dân gian, con trâu phê phán con chó, nào là “nuôi giống ấy làm chi cho nhọc?”, “một ngày ba bữa chực ăn”, “ăn thì cơm thừa canh cặn/ăn thì môn sượng, khoai sùng”…, nào là “thấy đến việc, lén mình len lét/chưa rét đã phô rằng rét/xo ro đuôi quít vào trôn”, “chưa sốt đà nằm dài thở dốc/le lưỡi ra phỏng ước dư gang/lại thấy người lơ đỉnh lơ hoang/tài ăn vụng thôi thì hơn chúng”…


Hình ảnh con chó cũng được người đời đem ví von để phê phán, đả kích hay khuyên răn một bộ phận người trong xã hội, như trường hợp “chó săn”. Dân gian lấy hình ảnh chó săn để ám chỉ những kẻ làm tay sai, chỉ điểm, làm mật thám cho ngoại bang hại đồng loại mình, đến lúc cuối cùng không dùng nữa thì số phận cũng như số phận của con chó săn, khi “hết thịt rừng thì giết chó săn” như dân gian đã nhận định từ xưa. Những kẻ giả dối, lừa người là những kẻ “treo đầu dê, bán thịt chó”. Những kẻ hèn kém, bất tài do tình thế rối ren, gặp thời mà chiếm được địa vị cao theo kiểu “chó ngồi bàn độc” thì cũng có ngày gặp cảnh “lên voi xuống chó”, tàn mạt cuộc đời. Người xưa có câu “cẩu vĩ tục điêu” có nghĩa là chiếc mũ quan đội thiếu lông chim cài, mới lấy đuôi chó nối vào, có ý nghĩa là quan tước quá lạm dụng quyền thế, thiếu tình người, không xứng đáng làm quan, bị người đời bêu xấu, coi như loài vật. Và những kẻ được gán cho là kẻ “lòng heo dạ chó” đã được chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền trong bài “Chiêu quốc hồn” có lời khuyên răn: “Chớ đừng thèm bắt chước những hạng người lòng heo dạ chó đành chôn vùi lương tâm, mà cam làm thân phận tôi đòi để chịu cảnh diệt vong nhục nhã”.


Có khi con người than thân trách phận cũng mượn hình ảnh con chó để tỏ bày tâm sự, như: “Sao khổ như chó vậy! Sao chó còn sướng hơn mình vậy!”. Lúc ghét thì “mắng chó chửi mèo”, không nói thẳng, nói thật nhau mà “đá mèo, quèo chó”, tỏ thái độ bất mãn. Lúc cãi vã nhau thì chẳng khác gì “gấu ó như chó với mèo”. Lại còn hay chê bai nhau như “chó chê mèo lắm lông”, đổ thừa cho nhau, hại nhau như trường hợp “con mèo xán vỡ nồi rang/con chó chạy lại phải mang lấy đòn”, “chó già ăn vụng cá khô/ ông chủ không thấy đổ hô cho mèo”, hay “chó đen ăn vụng, chó trắng chịu đòn”… Con người cũng có khi đổ thừa cho chó: “Nửa đêm trống trở sang canh/Lỡ ăn vụng dại, đổ quanh chó mèo”.


Dân gian ta cũng có những bài học về cách sống qua hình ảnh con chó. Có câu truyền lại khuyên con người cần uốn lưỡi bảy lần trước khi nói là để suy nghĩ kỹ, chín chắn, phải cân nhắc, thận trọng trước khi nói để khỏi nói những điều sai trái, cũng như con chó: “Chó ba quanh mới nằm”, cũng như “gà ba lần vỗ cánh mới gáy”. Con người cần phải sống như thế nào để khỏi gán cho là loài “mèo đàng chó điếm”, đừng “ăn ở như chó với mèo”, “đồ chó mặc váy lĩnh” là những kẻ đua đòi lố lăng. Dân gian cũng khuyên con người không nên chê ai, kiểu “chó chê mèo lắm lông”, mình chưa chắc đã tốt lại còn chê kẻ khác là xấu, là tồi, là kém… Lại có câu “chó chực chuồng chồ”, cũng như con người hám danh, hám lợi cam lòng chờ đợi để rình kiếm chút lợi lộc bẩn thỉu.


Dân gian ta đã có một nhận định thật sâu sắc: “Làm người thì khó, làm chó thì dễ” để thấy rằng con người ăn ở theo đạo lý mới khó, còn cư xử vô luân, không còn luân thường đạo lý với nhau thì dễ.


Dân gian từ xưa đã mượn hình ảnh con chó để ví von, ẩn dụ, mang nhiều ý nghĩa tích cực để phê phán, đả kích những thói hư tật xấu của một bộ phận người sống trong xã hội, cũng như có những lời khuyên con người sống cho phải đạo. Nhân năm Mậu Tuất 2018, mong rằng đất nước, con người sẽ thoát nghèo, có cuộc sống sang giàu như câu tục ngữ người xưa truyền lại: “Chó đến nhà thì giàu”.


NGÔ VĂN BAN