Đỉnh Hòn Giao - địa giới của 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng quanh năm mây mù bao phủ. Do thường xuyên có mưa lớn, độ ẩm cao nên rừng ở đây rêu mọc dày trên các thân cây, rêu buông mình đung đưa như những bức mành mỏng, rêu lan tràn mặt đất...
Đỉnh Hòn Giao - địa giới của 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng quanh năm mây mù bao phủ. Do thường xuyên có mưa lớn, độ ẩm cao nên rừng ở đây rêu mọc dày trên các thân cây, rêu buông mình đung đưa như những bức mành mỏng, rêu lan tràn mặt đất... Vẻ u tịch của rừng già như trở nên huyền bí hơn trong lớp áo màu xanh rêu bao phủ.
Khám phá
Chúng tôi có mặt tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Thái - Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa để được dẫn vào tham quan rừng rêu trên đỉnh Hòn Giao. Từ vị trí có độ cao 1.500m trên tuyến Quốc lộ 27C, chúng tôi men theo lối mòn để vào rừng. Anh Văn Bảo Phong - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sơn Thái cho biết, rừng trên đỉnh Hòn Giao thuộc dạng rừng lùn đỉnh núi, được hình thành bởi các đặc điểm khác biệt về khí hậu và thổ nhưỡng. Cũng vì sự khác biệt đó nên cây rừng ở đây chủ yếu là cây gỗ thấp, thân nhỏ, mọc dày đặc với mật độ khoảng 4.000 cây/ha. Ở đỉnh Hòn Giao thường có lượng mưa lớn, độ ẩm quanh năm cao, nhiệt độ thấp là điều kiện lý tưởng cho các loại rêu phát triển. Theo số liệu khảo sát thì nơi đây có khoảng 100 loại rêu với đầy đủ các nhóm rêu tản, rêu sừng và rêu thực. Những tháng cuối năm là thời điểm rêu sinh trưởng và phát triển mạnh nhất.
Từng giọt sương đậu trên những cọng rêu |
Sau hơn 2 giờ đồng hồ băng rừng, vượt qua 6 con dốc, chúng tôi mới có mặt tại tiểu khu 83, nơi có độ cao 1.858m so với mực nước biển. Theo lời anh Phong, đỉnh cao nhất của Hòn Giao gần 2.000m, thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng, còn vị trí chúng tôi đang đứng là nơi cao nhất của Hòn Giao thuộc địa phận Khánh Hòa. Đây là nơi có rừng rêu đầy bí ẩn đang chờ chúng tôi chiêm ngắm. “Rừng ở đây được bảo vệ khá tốt. Chính vì thế, hệ sinh thái rừng vẫn còn nguyên trạng. Các loài thực vật trong rừng có mối quan hệ cộng sinh chặt chẽ với nhau, sự xuất hiện của các loại rêu là mắt xích trong mối quan hệ đó”, anh Phong cho biết.
Quả thật, thảm thực vật ở đỉnh Hòn Giao không có nhiều cây lớn, nhưng bù lại mật độ lại rất dày. Rất khó để tìm thấy được một khoảng trống nào đáng kể vì tất cả được ken dày bởi tán lá rừng. Dù đang là thời điểm sáng sớm hay giữa trưa thì không gian nơi đây cũng luôn mờ ảo bởi sương mù giăng mắc. Hy hữu lắm mới thấy một vài tia nắng yếu ớt xuyên qua kẽ lá, nhưng chúng cũng nhanh chóng tan biến trong sương.
Mảng rêu như phát sáng khi có ánh nắng chiếu vào |
Thảm rêu xanh mướt giữa rừng già
Và rồi trước mắt chúng tôi hiện lên cả một “bảo tàng” rêu khổng lồ. Rêu ở đây mọc dày trên các thân cây, buông mình đung đưa như những bức mành mỏng, rêu lan tràn mặt đất, rêu mọc thành lớp, thành gộp, tạo nên những hình thù lạ mắt... Chưa bao giờ chúng tôi thấy rêu mọc nhiều và đẹp như ở đây. Giữa rừng già thâm u, sự xuất hiện của thảm rêu xanh mướt như tô điểm thêm vẻ huyền bí nơi đây. Từng mảng rêu như những tấm áo xanh được khoác lên thân cây, cành cây, những làn sương mỏng như quấn quýt, vấn vít trong thảm rêu xanh càng khiến cho không gian thêm phần hư ảo. Trong phút chốc nào đó, chợt có ánh nắng xuyên qua, rọi vào những thân cây thì từng thảm rêu như phát sáng. Những giọt sương đậu trên mỗi cọng rêu bỗng trở nên lung linh, đẹp lạ thường.
Ánh nắng yếu ớt lọt qua tán cây rừng |
Trên nền của những mảng rêu xanh mướt, các loại phong lan cũng thi nhau vươn mình phát triển. Lan ở đây cũng nhiều vô kể, thậm chí rơi cả trên những lối đi. Cứ vào độ ra Giêng, những cánh hoa phong lan mỏng manh, tinh khôi lại đua nhau khoe sắc trên nền xanh mướt của thảm rêu.
Làn sương mỏng vấn vít trong thảm rêu xanh |
Nhìn ngắm khung cảnh rừng rêu, chúng tôi chợt nhớ câu chuyện của một người bạn chia sẻ trên facebook rằng, ở Nhật Bản người dân xem việc ngắm rêu như một liệu pháp thư giãn hiệu quả. Quả đúng vậy, chúng tôi đã có được những khoảng thời gian thư giãn đầy ấn tượng trong rừng rêu. Những bận bịu, lo toan trong cuộc sống bỗng như tan biến để nhường chỗ cho sự thoải mái khi được hòa mình với thiên nhiên kỳ thú. Chúng tôi chợt nghĩ đến việc hình thành nên tour du lịch tham quan rừng rêu gắn với giáo dục ý thức bảo vệ môi trường rừng. Trên thực tế, cũng đã có nhiều nhóm du lịch phượt tìm đến với rừng rêu, nhưng đó chỉ mới là sự manh nha. Tất nhiên, để ý tưởng về tour du lịch được áp dụng vào thực tiễn thì vẫn còn nhiều điều cần làm, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái.
Giang Đình - Bích La