Hôm bữa, má nói "Khi mô bây đi Nha Trang, cho má đi cùng. Má xuống Vạn Giã. Chừng nào bây về thì ghé đón má!". Tôi dạ, dù nhớ điều ấy như in, vì má nói chắc đến lần thứ mấy. Nghẹt nỗi chuyến đi dài đến đó chắc phải sau Tết ít lâu, còn bây giờ thì lúc nào cũng luýnh quýnh, không ở lại lâu được ...
Hôm bữa, má nói “Khi mô bây đi Nha Trang, cho má đi cùng. Má xuống Vạn Giã. Chừng nào bây về thì ghé đón má!”. Tôi dạ, dù nhớ điều ấy như in, vì má nói chắc đến lần thứ mấy. Nghẹt nỗi chuyến đi dài đến đó chắc phải sau Tết ít lâu, còn bây giờ thì lúc nào cũng luýnh quýnh, không ở lại lâu được. Má cũng không chịu đi vì thương hai đứa nhỏ, sợ chúng ăn không đến nơi đến chốn nếu cả bà và mẹ vắng nhà.
Năm nay 86 tuổi, rứa mà mãi đến năm 65 tuổi, má mới theo chị gái tôi líu ríu tìm về quê. Hồi đó, ông ngoại tôi đã mất và có lẽ, ông cũng không mấy nhớ để kể cho má nghe về những chi tiết của quê ngoại má khi cha con thi thoảng gặp lại, sau chiến tranh. Lúc má theo ba mang chị em tôi về Huế, ông ngoại đã ở hẳn với cậu và mấy dì ở Tam Quan, là chị em khác mẹ với má.
Một góc vịnh Vân Phong, Vạn Ninh. Ảnh: Internet |
Má, khi rời đi hãy còn là một cô bé con chừng 6 - 7 tuổi. Thực ra là ông ngoại đưa má về Huế, gửi cho nhà ngoại rồi theo công việc của một nhân viên hỏa xa đi miết. Má nói, hồi nớ chỉ biết là bà ngoại không còn. Má nhớ tóc ngoại dài và dày với một cái búi to trên đầu. Sau này lớn, má nghe người thân kể là ngoại hồi đó đẹp nhất làng, nhưng dẫu vậy thì cũng chỉ là con gái của một dân chài, trong khi gia thế của ông ngoại lại có chút danh giá nên không được chấp nhận. Ngoại tôi chắc cũng vì sự ngãng ra của người đàn ông mình thương mà héo hon dần.
Chuyến tìm về của má may mắn là được như ý nguyện. Gặp được cậu Ba, cậu Năm, cậu Bảo, nhất là gặp được người anh họ mà hồi nhỏ, má hay chơi cùng, dù cậu Ba lúc ấy đã trở thành ông sư ở chùa làng. Tôi không là người chứng kiến, nhưng biết má vui nhiều trong nước mắt. Từ hè ấy, má thường có những chuyến về quê, lúc nào má cũng ngóng trông và chỉ có chừng đấy ao ước. Tôi biết má vẫn lụm cụm dành dụm cho những chuyến đi, để có thể mang về chút ít quà cho những người thân. Là quà của má, chứ không phải chỉ của các con má. Tôi biết má thắc thỏm lắm khi gia đình các cậu không dư giả gì. Biết má xót khi kể về những cái ngóng nhìn của vợ con các cậu chừng má về quê…
Sau lần tìm về của má, cậu Ba lần đầu tiên rời Vạn Giã và có chuyến đi xa nhất của đời người là ra Huế thăm em. Tôi đi làm về, cứ thế mà ào vào ôm lấy cậu, mặc kệ màu áo vàng. Cậu chỉ cười, nói chu cha cái con nhỏ ni. Giọng hiền thôi là hiền. Bữa đó, tôi nấu cơm chay với món rau và canh bí đỏ đậu phụ. Cậu nói, món ngon nhất mà cậu từng ăn từ khi ở chùa. Tôi chấm miếng cơm vào gói muối lá é cậu mang theo, nước mắt cứ thế trào ra. Giọng cậu lại hiền thôi là hiền: cái con nhỏ ni, cậu quen rồi mà… Nhưng cậu cũng không kịp chờ tôi về thăm vì sau chuyến ra Huế ít lâu, cậu ốm rồi rời chúng tôi mãi. Nhưng chí ít thì cậu đã vui vì gặp lại cô Hai - là má tôi - sau hàng chục năm ròng chiến tranh loạn lạc không biết ở chốn nào…
Hôm rồi má nói, giờ ở quê cũng đỡ nhiều. Lũ con cháu ra riêng làm ăn cũng được nên vợ chồng các cậu cũng đỡ phần vất vả. Má nói con đường về quê giờ xe chạy ngon lành, chỉ xóm làng là không mấy rộng rãi như trước. Má nói lần nào về cũng thích ra biển. Biển rộng mà thoáng, lại đẹp nữa.
Tôi biết vì sao má thích ra biển. Nơi đó chắc là phần gần với quãng thời gian má sống ở đó nhất. Không biết khi tiếng sóng dội về, má có thấy ngoại không. Tôi đã cố nhắm mắt lại để hình dung nhưng lần nào cũng như lần nào, đều thấy dáng giống như là má, với đôi quang gánh nhẹ bẫng trên vai sau buổi chợ. Chắc vì tôi không có ký ức về ngoại. Nhiều lúc, tôi lại thấy cô bé con một mình với nỗi chờ đợi tha thẩn trên cát.
Nhiều khi má nói, má thích ăn mực nướng, nhưng là mực vừa theo thuyền về. Ngọt lắm. Đâu như bây chừ. Tôi biết má lại ký ức.
Quê của má. Cũng là một phần quê hương máu thịt của tôi nữa, còn trong thương nhớ hoài…
H.N