Mới đó mà đã mười năm, Trung sống đời viễn xứ. Mỗi khi trời trở lạnh, anh lại nói nhiêu đây đủ rồi, sẽ không chịu nổi thêm mùa đông nào nữa, phải dọn xuống miền Nam ấm áp hay về Việt Nam sống gấp. Nói thì nói vậy thôi, thoáng chốc mười mùa đông qua cái vèo, ước mơ vẫn chưa thành sự thật.
1. Mới đó mà đã mười năm, Trung sống đời viễn xứ. Mỗi khi trời trở lạnh, anh lại nói nhiêu đây đủ rồi, sẽ không chịu nổi thêm mùa đông nào nữa, phải dọn xuống miền Nam ấm áp hay về Việt Nam sống gấp. Nói thì nói vậy thôi, thoáng chốc mười mùa đông qua cái vèo, ước mơ vẫn chưa thành sự thật.
Chục năm nay, Trung về nhà được ba lần: lúc ba mất, ngày mãn tang ba và dẫn vợ về ra mắt gia đình, bè bạn. Trong suốt hai ngàn ngày miệt mài không về ấy, đôi khi anh quên chuyện mình còn một gia đình ở xa, quên mất một người ngày nào cũng ngóng bước anh về ngang đầu ngõ. Có lần Trung đòi làm thủ tục bảo lãnh má qua đây sống. Bà lắc đầu, còn mồ mả tổ tông, đi rồi ai hương khói?
Minh họa: xuân đinh |
Lắm khi nhớ nhà quá, anh muốn book vé, ngồi máy bay hai mươi bốn tiếng đồng hồ, xách ba lô chạy về quỳ dưới chân má tạ tội, ấp ôm cho thỏa bao ngày xa cách. Nhưng anh đâu thể bỏ vợ với hai đứa nhỏ bên này. Còn về chung thì tiền bao nhiêu cho đủ. Với lại, hãng xưởng dạo này khó khăn, mỗi lần xin nghỉ cũng khó.
Để mỗi đêm trong giấc ngủ chập chờn, chắp vá, Trung thấy máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất. Tim anh đập thình thịch. Trung luống cuống nhìn ra cửa sổ. Bên dưới Sài Gòn lung linh, lấp lánh giữa hàng vạn ánh đèn. Đúng rồi, Sài Gòn của anh đây rồi. Việt Nam của anh đây rồi. Còn năm phút nữa, ba phút, hai phút, một phút nữa thôi, anh sẽ chạm vào mảnh đất quê nhà sau bao năm xa cách.
Trung lật đật làm thủ tục hải quan, lấy đồ, dắt vợ con nhào ra cổng. Người đông quá. Sài Gòn nóng quá. Nhà mình đâu? Người thân của mình đâu? Má! Má! Trời ơi má! Con nè má ơi! Trung choàng tới ôm chầm lấy má, hun lên mặt, lên tóc, lên tay, khóc hu hu sau bao ngày xa cách. Sao má hổng nghe lời con, ở nhà chứ vô đây làm chi cho cực, con sẽ về ngay với má thôi mà. Đó, má lại ho rồi thấy chưa. Má mà có mệnh hệ nào thì tụi con biết sống ra sao?
Trung giật mình thức giấc. Ước mơ mãi chỉ là mơ ước. Thôi thì hẹn lần, hẹn lựa, năm sau con sẽ về. Tới năm sau lại hẹn năm sau nữa sẽ về để má con mình đi chợ sắm đồ, mua cúc, mua mai chưng đầy trước ngõ. Con sẽ chung tay với người thân dọn mạng nhện, quét vôi tường, đi xin khế, hốt tro, kỳ cọ chân đèn sáng bóng. Sẽ phụ má phơi kiệu, đu đủ, cà rốt làm dưa chua, dưa món. Con sẽ làm một nồi thịt vịt hầm măng quen thuộc mà hồi nhỏ má hay nấu cho tụi con ăn.
Chờ con, đợi con về nhen má. Đừng cho con mãi làm người trễ hẹn mùa xuân.
1. Mười chín tuổi, Hiên rời Việt Nam. Bao ước mơ, hoài bão, nỗi nhớ, niềm thương cũng đành gạt lại để quyết tâm lên đường kiếm tìm giấc mơ Mỹ. Hiên nhủ với lòng, sang nơi ở mới sẽ cố hòa nhập vào đời sống mới, bởi đó là một quyết định quá lớn thay đổi cuộc đời. Cô không muốn sa vào tình cảnh một kiểng, hai huê như bao nhiêu người khác, khi sống mòi mỏi giữa xứ người mà lòng dạ cứ thương nhớ quê xa. Nhưng cuộc đời đâu giản đơn như suy nghĩ. Người ta mãi đứng yên còn thời gian như gió thoảng. Giờ Hiên đã ba mươi sáu tuổi, có chồng, hai con, nhưng không hạnh phúc. Cuộc sống mỗi ngày trôi qua như hạt bụi lũi lầm, bồng bềnh trôi giữa ba trăm triệu người xứ Mỹ.
Nhiều người ra đi cùng thời điểm, nhưng đã “Mỹ” lắm rồi. Cuộc đời thênh thang với những ước mơ và hoài bão mới. Công việc lương cao, tiền bạc đủ đầy, mua xe mua nhà to lớn. Việt Nam, với họ, giờ chỉ là một miền quê xa thẳm, thỉnh thoảng bồi hồi, nhung nhớ đồng quê, giếng nước, hay phố xá cao tầng, kênh rạch đầy rác bốc mùi thì book vé về vài tuần lại tất tả ra đi. Tháng ngày trước kia giờ đã là quá khứ. Bỏ tất cả lại sau lưng, chọn nước Mỹ làm quê hương thứ hai, mắc gì đắn đo, luyến tiếc. Hiên thì khác, mỗi khi nhắc quê xưa, gợi chuyện Sài Gòn lại rưng rức khóc. Nghe ai nói tới ước mơ làm cô giáo dạy Văn, ngày ngày mặc áo dài, đứng trên bục giảng, say sưa phân tích cho học trò nghe những Nam Cao, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… mà nước mắt lưng tròng. Đôi khi trở về cũng chỉ gói gọn trong hai chữ nhớ và mong. Thôi thì sống vì con, chứ đời mình chẳng còn gì để nhắc.
Mười bảy năm phiêu bạt xứ người, dù là giữa Cali nắng gió, nơi tập trung gần cả triệu người Việt, nhưng Hiên vẫn thấy mình bơ vơ lạc lõng. Xứ này cái gì cũng có, nếu đủ tiền. Nhà cửa, xe cộ, áo quần, giày giỏ, món ăn Nam Bắc, thịt chó mắm tôm, bánh ướt bánh canh, cháo bò cháo lòng… Muốn ăn gì có nấy. Nhưng Hiên không tìm được hương vị đặc trưng như ở bên nhà. Không có cảnh ngồi bệt bên vệ đường, trước hàng bánh xèo bốc khói, tự tay múc mắm, thêm ớt, hốt thêm đĩa rau rồi chống đũa chờ. Hiên say sưa nhìn chị chủ quán gắp miếng mỡ bỏ vô khuôn, lật qua lật lại, quăng tí hành lá phi cho thơm, rồi múc vá bột đổ vô, kêu cái xèo thiệt đã... Nhìn thôi mà nuốt nước miếng cái ực. Hay những khi đi chợ, nhìn mớ nấm rơm tròn lủng lẳng, nổi lềnh bềnh trên nồi bánh canh đầy váng dầu là Hiên muốn nhào tới húp trọn. Cảm giác ăn tô bánh canh bột gạo mềm mềm, húp tí nước thanh cao, kèm miếng đậu hũ chiên beo béo, chút ớt ngâm xì dầu cay cay, rồi bỏ cái nấm rơm vô miệng, nước ngọt thơm lừng túa ra, lòng dạ gì cũng mềm nhũn hết.
Mùa xuân Cali không lạnh và nhiều tuyết như những miền miên viễn khác. Nơi đây cũng có chợ hoa xuân, hội chợ Tết vào cuối tuần để bà con mang hoa quả, bánh tét, mứt, củ kiệu, dưa hành tự làm tới bán. Có những đứa trẻ sinh ra ở xứ người, cô cậu thanh niên, ông bà già lụm khụm mặc áo dài, khăn đóng, tung tăng giữa nắng nhạt vàng. Có bánh chưng, bánh tét gói bằng lá chuối, lá dong đúng hiệu. Có thẩu me xanh ngâm đường ngòn ngọt. Thau mứt dừa, mứt bí, mứt gừng nồng nàn trên đầu lưỡi. Có cả pháo nổ đì đùng như Việt Nam của mấy mươi năm về trước.
Dù bận đi làm, nhưng Hiên cũng tranh thủ ra ngắm cho có không khí. Đôi khi ngậm ngùi nhìn vài cụ ông cụ bà đầu bạc trắng, đầy vết chân chim bởi những vất vả lo toan và nỗi nhớ nhà hằn trong từng suy nghĩ, nhờ con cái chở tới để ôn cố tri tân. Bè bạn gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Gặp nhau lần này rồi hổng biết sang năm có còn dịp nhìn thấy nhau không?
Hiên mê mẩn nhìn hoa mai vàng tưng bừng khoe sắc. Chậu cúc đại đóa vàng ươm nằm gọn trong lòng bàn tay, hay cành đào hồng tươi rói. Vừa mừng, vừa tủi. Ở đâu cũng thế, vạn thọ là hoa của ngày xuân ấm áp, biểu tượng của sự sum vầy, trường thọ. Khắp phố xá Little Saigon, hoa cúc đằm thắm, dịu dàng, giữa nắng vàng vọt. Cúc bên này không to như bên nhà, nhưng đa dạng hơn về màu sắc và chủng loại. Không chỉ có vàng, mà còn tím, xanh, trắng, đặc biệt là đỏ. Cho nên, dù hoa có mắc gấp đôi gấp ba ngày thường, Hiên cũng mua về chưng cho có mùi Tết. Đi ra, đi vô ngắm nghía đôi lần, chụp hình gửi về bên nhà khoe khoang, bên này cũng có cúc vàng nè, thấy chưa? Hoa như lửa hồng sưởi ấm lòng người giữa mùa đông buốt giá.
Hiên vẫn giữ thói quen cúng kiếng học từ ba má. Dù bận rộn đến đâu, chiều ba mươi cũng tranh thủ về sớm, ghé chợ mua ít thịt thà rau củ, chưng mâm ngũ quả, bất cứ trái cây gì miễn đủ... năm loại. Xuống bếp, lui cui nấu bữa cơm cúng mời ông bà về ăn tất niên với con cháu. Bữa cơm xứ người không có gì đặc sắc, toàn những món đạm bạc, quê mùa. Đòn bánh tét đậu phộng khô rôm bởi nạc nhiều hơn mỡ, thịt ba chỉ thưng vàng, khổ qua xào trứng, canh bún tàu với lòng gà, thêm đĩa rau sống, củ kiệu, mắm ớt tỏi và ít chén cơm.
Hiên ráng thức tới giao thừa, bày ít bánh mứt ra cúng Phật, mong một năm mới nhiều sức khỏe, bình an cho mình và cả gia đình. Gọi về quê, chúc vài lời với bạn bè, người thân cho ấm lòng rồi đi ngủ. Sáng mùng một dậy sớm, thay nước, thắp nhang, bày bánh mứt ra mời ông bà. Chờ nhang tàn Hiên mới chở con đi học, lủi thủi đi làm. Chiều tranh thủ về sớm, ghé chùa thắp mấy nén nhang cho lòng thanh tịnh. Rồi cứ thế, sáng mùng hai, mùng ba, mùng bốn, Hiên vẫn dậy sớm cúng kiếng, đóng cửa đi làm, lủi thủi ra về trong gió lạnh. Thường thì chiều mùng ba mọi người đã nấu mâm cơm cúng tiễn ông bà, nhưng Hiên vẫn cố gắng kéo dài tới mùng bốn. Bởi muốn níu kéo chút không khí Tết, muốn mỗi sáng thức dậy nhìn thấy mâm ngũ quả, ngửi mùi nhang trầm cho lòng bớt quạnh...
Giữa những ngày miệt mài miên viễn, lấy nước Mỹ làm nhà, kiếm tiền lo cho cuộc sống hiện tại và tương lai của con cái, Việt Nam trở thành miền nhớ khôn nguôi chưa bao giờ thôi thương nhớ. Mỗi khi trời bắt đầu trở lạnh, cây lá trơ cành, Hiên lại thèm chút mùi vị Tết nhất bên nhà, đã bao nhiêu năm trời chưa hít thở.
N.H.T