Trong những câu chuyện cà phê vỉa hè với bạn bè, mới thấy chuyện ăn uống giờ cũng đa thanh, đa sắc với những món Âu, món Á. Nào pizza, món Hàn, món Thái, món Nhật... Rồi lại thấy nhiều người trẻ bây giờ sành vào những nhà hàng sang trọng của những khách sạn nhiều sao.
Trong những câu chuyện cà phê vỉa hè với bạn bè, mới thấy chuyện ăn uống giờ cũng đa thanh, đa sắc với những món Âu, món Á. Nào pizza, món Hàn, món Thái, món Nhật... Rồi lại thấy nhiều người trẻ bây giờ sành vào những nhà hàng sang trọng của những khách sạn nhiều sao. Này thì rủ nhau đi làm thẻ VIP, lập nhóm, nay đến nhà hàng này, mai nhà hàng khác như một cách hưởng thụ những tinh túy ở đời, như cái thú khám phá những vị ngon của các siêu đầu bếp. Thế mới biết pizza chỗ này ngon ra sao, chỗ kia vị thế nào, đầu bếp Âu hay Á làm, có khi không vừa miệng lại ngoắc anh quản lý tới để góp ý bánh hôm nay chưa giòn, chưa đậm đà; hay ăn chỗ này chỗ kia thấy đáng đồng tiền bát gạo... Âu đó cũng là một xu thế cho theo kịp rất nhiều nhà hàng, khách sạn đẳng cấp quốc tế mọc lên chót vót ở Nha Trang. Người ta trở nên sành ăn hơn, tinh tế hơn từ những không gian đầy chất văn hóa ẩm thực ấy.
Tôi không có cái thú như bạn bè, như giới trẻ bây giờ vào những không gian sang trọng để tìm hương vị mới của những đầu bếp Âu, Á, của những món Thái, món Nhật, món Hàn... Chỉ là họa hoằn mới có một bữa xuống phố. Vậy nhưng cũng đủ để thấy cái sự ăn ở Nha Trang đâu chỉ có thế. Trong cái giao thoa về văn hóa giữa các vùng miền là sự giao thoa về ẩm thực. Phố biển bây giờ đâu chỉ có những món ăn quen thuộc làm nên thương hiệu cho một vùng đất như nem nướng, bánh canh, bún cá... mà còn hội tụ những món ăn của nhiều vùng Nam Bắc. Chỉ trong bán kính 1km quanh nhà mình, lắm khi chỉ một con đường cũng là nơi hội ngộ của những món nổi danh 3 miền. Ví như con đường Hồng Bàng có đủ thanh đủ vị, từ món cơm hến Quảng Nam, bún chả Hà Nội, bánh canh, bánh tráng cuốn Trảng Bàng hay chả bò Đà Nẵng. Lại có quán chuyên phục vụ các món Bắc, mang phong vị của món ăn đã đành, có nơi còn mang theo chút hồn cốt của người bản xứ như Góc Hà Nội chẳng hạn... Người sành ăn, am tường đến quán, bảo rằng không giống vị Hà Nội. Dĩ nhiên rồi, bún cá, bánh canh Nha Trang vào đến Sài thành cũng đã có chút khác. Thậm chí ăn ở những không gian khác nhau, tâm trạng khác nhau cũng cảm nhận dư vị đã khác, trọn vẹn đâu được. Ví như món bún chả, chỉ cần nhìn đĩa rau thiếu cọng húng Láng là đã mất đi cái vị của nó. Điểm này thì những quán ở Sài Gòn có vẻ đủ vị cho người thưởng thức mà từ mười mấy năm trước tôi đã có dịp thử ở cái quán trên đường Võ Văn Tần. Anh bạn đồng nghiệp lại thích quán ở đường Hàn Thuyên bởi cái vị của nó đúng hơn, chén nước chấm luôn nóng hổi, đậm đà, và là vì không có thêm những miếng đu đủ xanh, cà rốt điểm cùng. Cô bạn gốc Bắc lại thích quán ở đường Đống Đa bởi miếng thịt viên mềm mềm béo béo nhờ chủ quán bằm thêm ít thịt mỡ cho vào... Nhưng cũng chẳng hề gì, chỉ cần có để thưởng thức cái món mới đây lọt vào top 10 món ngon mùa hè do kênh CNN giới thiệu như một trải nghiệm ẩm thực khác biệt hấp dẫn thực khách là được rồi.
Xuống phố, để thấy vị giác của mình kích thích ngay từ đầu ngõ, từ những cái quán lụp xụp với những hàng ghế nhựa nơi vỉa hè. Này dãy quán lẩu dê liền kề cứ như một thứ hấp lực mỗi lần rà xe qua. Dẫu chẳng thể tìm lại cảm giác, hương vị như lần được thưởng thức món dê núi hấp ăn với lá mơ ở quê nội Ninh Bình ngày nào, nhưng lâu lâu lại tìm đến cùng bạn bè như thể tìm về nguồn cội. Lạ cho cô bạn ghiền món vú dê nướng, mặc cho ai chọc quê vẫn mình ta ta chén mỗi khi thấy thèm và bước chân khi ấy không thể cưỡng lại cái miệng, cái vị giác. Xuống chút nữa, dân dã hơn là những chiếc bánh căn tròn tròn ở đường Tô Hiến Thành. Buổi trưa đi làm đã thấy quán rục rịch nhóm bếp lò, bày bàn ghế. Có lẽ khắp thành phố biển, đây là quán bánh căn độc nhất vô nhị với 8 vị cho khách thay đổi khẩu vị, từ hến, mực, tôm, thịt bò, xíu mại, ba rọi, trứng gà, trứng cút. Cái đa vị ấy như níu khách Tây khách ta cùng dừng chân ghé lại, cũng không hiếm những chiếc ô tô đỗ xịch bước xuống, chẳng e dè với không gian có chút xô bồ ở vỉa hè.
Xuống phố, để thắp lên chút nhớ một thời xưa cũ. Như kiểu ngớ người ra khi bạn nói có món bò bía hiện hữu ở ngay con đường Nguyễn Thị Minh Khai nhà mình, mới đây lại có thêm một quán ở đường Ngô Đức Kế bán món này. Nó nhắc nhớ một thời sinh viên đã xa hay cùng đám bạn tề tựu bên nhau với những cuốn bò bía, đĩa trứng chiên bột, bún xào giản dị nhưng hợp với túi tiền nhỏ bé. Thi thoảng, nhóm bạn từ phương xa vào công tác, lại đãi bạn món nem nướng, cũng chẳng phải ở nhà hàng nào cho sang, chỉ là cái quán vỉa hè đường Thống Nhất nhưng lại thấy ngon hơn bất kỳ quán nào có danh có tiếng, ấy thế nên bạn cứ tấm tắc mà cuốn, mà chấm. Xuống phố cũng là để nhớ hương vị chua chua thanh thanh là lạ khó quên, chẳng giống với món lẩu bò trước đây hay ăn ở quán có tên gọi ngồ ngộ Bùmboy bên vỉa hè đường Hùng Vương trong một không gian chật hẹp nhưng cứ đông nườm nượp mỗi buổi chiều, cả khách Tây lẫn khách ta, có khi chưa kịp đứng dậy đã có khách khác đứng chực sẵn. Đầu năm đi qua, thấy quán dán thông báo chuyển đến địa điểm mới, rộng rãi hơn, khang trang hơn mà có chút tiêng tiếc bởi lắm khi người ta chọn chính là ở những không gian chật chội, lụp xà lụp xụp nhưng thân quen và thoải mái như thế. Có khi xuống phố đơn giản là tìm đến ly cơm rượu nồng ở Bến Cá, món chim cút nướng trong tiết trời se se hay xa hơn là món cá lóc ruộng nướng lá chuối thơm lừng chấm với mắm ngò ở một cái quán đồng quê ngoại thành...
Những dư vị ấy đã trở thành một phần trong nét ẩm thực, trong tâm thức người ở phố biển. Để dăm đôi ba bữa lại xuống phố cùng người thân, bạn bè, ẩn mình ở một góc nhỏ nào đó. Và tôi gọi đó là xuống phố ăn rong. Ăn rong đôi khi vì thèm và cũng đôi khi là vì nhớ, như thể một cái thú. Mà cái thú ăn rong ấy nào đâu chỉ thấm vào mỗi mình.
BÍCH THUẦN